Browsing "Older Posts"

Hướng dẫn soạn bài: Ngôi kể trong văn tự sự

By Anonymous →
Hướng dẫn soạn văn, soạn bài, học tốt bài

NGÔI KỂ TRONG VĂN TỰ SỰ

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Ngôi kể và vai trò của ngôi kể trong văn tự sự
a) Ngôi kể là gì?
Ngôi kể là vị trí giao tiếp mà người kể sử dụng để kể chuyện. Ngôi kể thường được thể hiện ra bằng nhân xưng trong lời kể. Có khi người kể kể theo ngôi thứ nhất - xưng "tôi"; có khi kể theo ngôi thứ ba - dấu mình đi, không trực tiếp lộ diện nhưng thực ra đã có mặt ở khắp nơi để chứng kiến và kể lại chuyện, kể như nhân vật tự kể, kể như "người ta kể".
b) Đọc kĩ các đoạn văn và cho biết hình thức ngôi kể của chúng. Dựa vào đâu để nhận biết?
(1) Vua và đình thần chịu thằng bé là thông minh lỗi lạc. Nhưng vua vẫn còn muốn thử một lần nữa. Qua hôm sau, khi hai cha con đang ăn cơm ở công quán, bỗng có sứ nhà vua mang tới một con chim sẻ, với lệnh bắt họ phải dọn thành ba cỗ thức ăn. Em bé nhờ cha lấy cho mình một cái kim may rồi đưa cho sứ giả, bảo:
- Ông cầm lấy cái này vê tâu đức vua xin rèn cho tôi thành một con dao để xẻ thịt chim.
Vua nghe nói, từ đó mới phục hẳn.
(Em bé thông minh)
(2) Bởi tôi ăn uống điều độ và làm việc có chừng mực nên tôi chóng lớn lắm. Chẳng bao lâu, tôi đã trở thành một chàng dế thanh niên cường tráng. Đôi càng tôi mẫm bóng. Những cái vuốt ở chân, ở khoeo cứ cứng dần và nhọn hoắt. Thỉnh thoảng, muốn thử sự lợi hại của những chiếc vuốt, tôi co cẳng lên, đạp phanh phách vào các ngọn cỏ. Những ngọn cỏ gãy rạp, y như có nhát dao vừa lia qua. Đôi cánh tôi, trước kia ngắn hủn hoẳn, bây giờ thành cái áo dài kín xuống tận chấm đuôi. Mỗi khi tôi vũ lên, đã nghe tiếng phành phạch giòn giã.
(Tô Hoài, Dế Mèn phiêu lưu kí)
Gợi ý: Đoạn (1) kể theo ngôi thứ ba. Đoạn (2) kể theo ngôi thứ nhất.
c) Người xưng "tôi" trong đoạn văn (2) có phải là tác giả Tô Hoài không? Vì sao?
Gợi ý: Người kể xưng "tôi" là nhân vật Dế Mèn, không phải tác giả Tô Hoài mặc dù để kể được tác giả đã phải hoá thân vào "tôi" - Dế Mèn.
d) So sánh ngôi kể ở đoạn văn (1) và (2): Trong hai ngôi kể, ngôi kể nào có thể tự do hơn, ngôi kể nào chỉ được kể những gì mình biết, đã trải qua?
Gợi ý: Ngôi kể thứ ba ở đoạn văn (1) cho phép người kể tự do hơn trong việc chứng kiến, biết và kể lại mọi chuyện. Ngôi kể thứ nhất (tôi) trong đoạn văn (2) không thể tự do như ngôi kể thứ ba, người kể dưới hình thức nhân xưng "tôi" chỉ kể những gì "tôi" biết, "tôi" chứng kiến, nghĩa là không thể kể những gì mà Dế Mèn không biết.
đ) Thử đổi ngôi kể trong đoạn văn (2) thành ngôi kể thứ ba (thay "tôi" bằng Dế Mèn). Nhận xét về đoạn văn sau khi đã thay ngôi kể.
Gợi ý: Lời kể trong đoạn văn (2) mang tính tự truyện, nhân vật tự kể về mình, nếu thay bằng ngôi kể thứ ba sẽ không ảnh hưởng nhiều đến câu chuyện, nhưng sẽ làm giảm đi màu sắc cá thể của câu chuyện. Kể theo ngôi thứ nhất, mọi thứ đều được quan sát, kể lại bằng con mắt của Dế Mèn, in đậm cá tính của Dế Mèn.
e) Có thể đổi ngôi kể thứ ba trong đoạn (1) thành ngôi kể thứ nhất (xưng "tôi") được không? Vì sao?
Gợi ý: Trường hợp này không giống với sự thay đổi ngôi kể như ở đoạn văn (2). Nếu thay ngôi kể thứ ba bằng "tôi" thì "tôi" sẽ  không thể có mặt ở khắp nơi, lúc thì ở cung vua để biết được ý của vua và đình thần, nhất là ý của vua muốn thử cậu bé thêm một lần nữa, lại có mặt ở công quán để chứng kiến cảnh hai cha con ăn cơm và cảnh đối đáp của chú bé với sứ giả, rồi lại có mặt trong cung vua để biết được "Vua nghe nói, từ đó mới phục hẳn.". Phải là kể theo ngôi thứ ba thì mới có thể biết hết mọi chuyện, ở mọi nơi, mọi lúc như thế được.

II. RÈN LUYỆN KĨ NĂNG

1. Thay đổi ngôi kể trong đoạn văn sau thành ngôi thứ ba và cho biết việc thay đổi ngôi kể đem lại điều gì mới cho đoạn văn:
Ngày nào cũng vậy, suốt buổi tôi chui vào trong cùng hang, hì hục đào đất để khoét một cái ổ lớn làm thành một cái giường ngủ sang trọng. Rồi cũng lo xa như các cụ già trong họ hàng dế, tôi đào hang sâu sang hai ngả làm những con đường tắt, những cửa sau, những ngách thượng, phòng khi gặp việc nguy hiểm, có thể thoát thân ra lối khác được.
                                                                        (Tô Hoài, Dế Mèn phiêu lưu kí)
Gợi ý: Nếu thay đổi ngôi kể từ "tôi" sang ngôi thứ ba - Dế Mèn, câu chuyện sẽ có sắc thái khách quan hơn, như có một người vô hình nào đó lặng lẽ quan sát và kể lại hoạt động của Dế Mèn rồi kể lại như chính chúng ta được chứng kiến câu chuyện vậy.
2. Thay đổi ngôi kể trong đoạn văn sau thành ngôi thứ nhất và nhận xét ngôi kể đem lại điều gì khác cho đoạn văn:
Một cái bóng lẹ làng từ trong vụt ra, rơi xuống mặt bàn. Thanh định thần nhìn rõ: con mèo già của bà chàng, con mèo già vẫn chơi đùa với chàng ngày trước. Con vật nép chân vào mình khẽ phe phẩy cái đuôi, rồi hai mắt ngọc thạch xanh giương lên nhìn người. Thanh mỉm cười lại gần vuốt ve con mèo.
(Thạch Lam, Dưới bóng hoàng lan)
Gợi ý: Thay đổi ngôi kể thứ ba (Thanhchàng) bằng ngôi thứ nhất - "tôi", sẽ tô đậm thêm sắc thái tình cảm của đoạn văn, nhân vật như trực tiếp bộc bạch cảm xúc của mình.
3. Truyện Cây bút thần kể theo ngôi nào? Ngôi kể ấy có hợp lí không? Vì sao?
Gợi ý: Đọc lại truyện Cây bút thần, lưu ý dấu hiệu nhân xưng trong lời kể để nhận biết hình thức ngôi kể. Cũng như các truyện cổ khác, truyện này được kể dưới hình thức ngôi thứ ba, kể như "Người ta kể lại"câu chuyện về em bé tên là Mã Lương. Ngôi kể này phù hợp với đặc trưng của thể loại truyện dân gian ở tính chất truyền miệng tập thể, cộng đồng. Ở vào thời điểm ra đời của các thể loại truyện kể như truyền thuyết, cổ tích, nhu cầu giãi bày đời sống cá thể, thể hiện sắc thái cá nhân chưa đặt thành vấn đề phải chú trọng nhiều, chuyện được kể không phải từ một người cụ thể nào, có chăng màu sắc chủ quan trong lời kể thì cũng rất mờ nhạt.
4. Vì sao trong các truyện cổ tích, truyền thuyết người ta hay kể chuyện theo ngôi thứ ba mà không kể theo ngôi thứ nhất?
(Xem gợi ý ở câu trước)
5. Khi viết thư, em sử dụng ngôi kể nào?
Gợi ý: Khi viết thư, người ta thường sử dụng ngôi ngôi kể thứ nhất để xưng với đối tượng nhận thư, đọc thư (ở ngôi thứ hai).
6. Dùng ngôi thứ nhất kể miệng về cảm xúc của em khi nhận được quà tặng của người thân.
Gợi ý: khi kể cần lưu ý.
- Duy trì đại từ xưng hô (người kể xưng tôi).
- Kể lần lượt các chi tiết.
+ Lí do được nhận quà.
+ Món quà đó là gì? Nó giúp ích cho em ra sao?
+ Em đã mừng vui như thế nào khi nhận được món quà đó của người thân?
- Niềm hạnh phúc của em khi được mọi người quan tâm chăm sóc.

Nguồn: HocTap-TT

Hướng dẫn soạn bài: Danh từ

By Anonymous →
I. KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. Đặc điểm của danh từ
a) Hãy xác định danh từ trong cụm danh từ in đậm dưới đây:
Vua sai ban cho làng ấy ba thúng gạo nếp với ba con trâu đực, ra lệnh phải nuôi làm sao cho ba con 
trâu ấy đẻ thành chín con …
(Em bé thông minh)
- Danh từ trong cụm từ in đậm là: Con trâu.
b) Xung quanh danh từ trong cụm danh từ nói trên có những từ nào?
Gợi ý:
- Trong cụm danh từ đã nêu, đứng trước danh từ trung tâm là từ “ba” (một số từ, có tác dụng chỉ số 
lượng), đứng sau danh từ trung tâm là từ “ấy” (phụ từ chỉ định, có tác dụng giúp xác định rõ sự vật, hiện 
tượng được gọi tên).
c) Tìm các danh từ khác trong câu đã dẫn.
Gợi ý: có thể tìm và sắp xếp các danh từ theo nhóm chỉ người và chỉ vật.
- Danh từ chỉ người như: vua.
- Danh từ chỉ vật như: làng, thúng, con, gạo, trâu.
d) Từ những ví dụ trên, có thể rút ra kết luận, danh từ là những từ thường dùng để chỉ người, chỉ vật, hiện 
tượng, khái niệm,…
e) Đặt câu với các danh từ vừa tìm được.
Ví dụ: + Nhà vua trực tiếp ban thưởng cho những tướng lĩnh có công.
+ Ngôi làng nằm sát mép bờ sông.
2. Danh từ chỉ đơn vị và danh từ chỉ sự vật
Xem xét ví dụ sau để nắm được đặc điểm của danh từ chỉ đơn vị và danh từ chỉ sự vật:
- ba con trâu
- một viên quan
- ba thúng gạo
- sáu tạ thóc
a) Có thể chia các danh từ đứng cạnh nhau thành hai nhóm: nhóm danh từ đứng trước chỉ đơn vị và nhóm 
danh từ đứng sau chỉ sự vật.
b) Hãy thay các từ con, viên, thúng, tạ trong ví dụ trên bằng các từ khác tương tự, rồi nhận xét về ý nghĩa 
tính đếm, đo lường của các cụm danh từ. Trường hợp nào ý nghĩa tính đếm, đo lường thay đổi, trường 
hợp nào không?
Gợi ý:
- Thay con bằng chú, thay viên bằng ông, thay thúng bằng bơ, thay tạ bằng yến.
- Thay ba con trâu bằng ba chú trâu, một viên quan bằng một ông quan thì ý nghĩa về số lượng không 
thay đổi.
- Thay ba thúng gạo bằng ba bơ gạo, sáu tạ thóc bằng sáu yến thóc thì ý nghĩa về số lượng thay đổi.
- Các danh từ kiểu con, viên, chú, ông - không làm thay đổi ý nghĩa về tính đếm, đo lường của cụm danh 
từ – được gọi là danh từ chỉ đơn vị tự nhiên. Các danh từ kiểu thúng, bơ, tạ, yến - có làm thay đổi ý nghĩa 
về tính đếm, đo lường – được gọi là danh từ chỉ đơn vị quy ước.
c) Hai câu sau đây, câu nào đúng, câu nào sai? Vì sao?
(1) Nhà có ba thúng gạo rất đầy.
(2) Nhà có sáu tạ thóc rất nặng.
Gợi ý:
- Câu (1) đúng, câu (2) sai.
- Câu (2) sai, vì: “tạ” là đơn vị cân đong quy ước, chính xác nên không thể dùng với ý nghĩa đánh giá (rất
nặng) được. Còn “thúng” là từ chỉ đơn vị tính đếm ước chừng thì có thể dùng với ý nghĩa đánh giá (đầy) 
được.
d) Danh từ tiếng Việt được chia thành hai loại lớn: danh từ chỉ đơn vị và danh từ chỉ sự vật. Khi sử dụng 
danh từ chỉ đơn vị cần lưu ý điều gì?
Gợi ý:
- Danh từ chỉ đơn vị gồm hai nhóm: danh chỉ đơn vị tự nhiên và danh từ chỉ đơn vị quy ước.
- Khi sử dụng danh từ chỉ đơn vị quy ước cần chú ý phân biệt danh từ chỉ đơn vị chính xác và danh từ chỉ 
đơn vị ước chừng. Danh từ chỉ đơn vị tính đếm, đo lường chính xác thì không dùng với ý nghĩa đánh giá.
II. RÈN LUYỆN KĨ NĂNG
1. Hãy liệt kê một số danh từ chỉ sự vật mà em biết. Đặt câu với một trong các danh từ ấy. Ví dụ: xe máy, 
sách, bút, bàn, bảng,…
(Quyển sách này rất hay.)
2. Liệt kê các danh từ chỉ đơn vị tự nhiên và đặt câu với một trong các danh từ ấy:
a) Chuyên đứng trước danh từ chỉ người, ví dụ: ông, vị, cô, …
b) Chuyên đứng trước danh từ chỉ đồ vật, ví dụ: cái, bức, tấm, …
Gợi ý:
- Danh từ chỉ đơn vị tự nhiên chuyên đứng trước danh từ chỉ người: viên, ngài, cu, bé,… (Năm nay bé An 
nhà tôi lên ba tuổi.)
- Danh từ chỉ đơn vị tự nhiên chuyên đứng trước danh từ chỉ đồ vật: chiếc, quyển, quả,… (Chiếc bút máy 
của em viết rất tốt.)
3. Liệt kê các danh từ theo yêu cầu sau và đặt câu với một trong các danh từ ấy:
a) Chỉ đơn vị quy ước chính xác, ví dụ: mét, lít, ki-lô-gam, …
b) Chỉ đơn vị quy ước ước chừng, ví dụ: nắm, mớ, đàn, …
Gợi ý:
- Danh từ chỉ đơn vị quy ước chính xác: ki-lô-mét, yến, lạng,… (Nhà tôi cách trường hai ki-lô-mét.)
- Danh từ chỉ đơn vị quy ước ước chừng: vốc, nhúm, khoảnh,… (Bà tôi trồng rau cải ở khoảnh vườn sau 
nhà.)
4. Tìm các danh từ và phân loại thành nhóm danh từ chỉ đơn vị và danh từ chỉ sự vật trong đoạn văn sau:
Người ta kể lại rằng, ngày xưa có một em bé rất thông minh tên là Mã Lương. Em thích học vẽ từ nhỏ. 
Cha mẹ em đều mất sớm. Em chặt củi, cắt cỏ, kiếm ăn qua ngày, nhưng vẫn nghèo đến nỗi không có tiền 
mua bút. [ ] Em dốc lòng học vẽ, hằng ngày chăm chỉ luyện tập. Khi kiếm củi trên núi, em lấy que củi 
vạch xuống đất, vẽ những con chim đang bay trên đỉnh đầu. Lúc cắt cỏ ven sông, em nhúng tay xuống 
nước rồi vẽ tôm cá trên đá. Khi về nhà, em vẽ các đồ đạc trong nhà lên tường, bốn bức tường dày đặc 
các hình vẽ.
(Cây bút thần)
Gợi ý:
- Các danh từ chỉ đơn vị: em, que, con, bức,…
- Các danh từ chỉ sự vật: Mã Lương, cha mẹ, bút, núi, củi, đất, cỏ, sông,…

Nguồn: HocTap-TT

Hướng dẫn soạn bài: Cây bút thần

By Anonymous →

Soạn bài “Cây bút thần” – Truyện cổ tích Trung Quốc

I. VỀ THỂ LOẠI
(Xem trong bài Sọ Dừa).
II. KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. Mã Lương thuộc kiểu nhân vật có tài lạ, luôn dùng tài năng để giúp đỡ mọi người, chống lại kẻ tham 
lam, độc ác… rất phổ biến trong truyện cổ tích. Trong truyện cổ tích Việt Nam có một số nhân vật tương 
tự Mã Lương như Thạch Sanh, Sọ Dừa…
2. Mã Lương vẽ giỏi vì em không những có tài năng mà còn rất ham mê học vẽ. Vì có tài lại ham mê học 
tập như vậy nên Mã Lương đã được tiên ông tặng cho cây bút thần có thể giúp em vẽ được những mọi vật
sống động như ý muốn. Tuy nhiên, chỉ Mã Lương mới sử dụng được cây bút đó, điều đó cho thấy nghệ 
thuật chân chính chỉ có được trong tay những người tài năng, đức độ.
3. Với những người nghèo, Mã Lương không vẽ những của cải sẵn có để hưởng thụ. Em vẽ cho họ cái 
cày, cái cuốc, cái thùng – những vật dụng sinh hoạt và phương tiện lao động để sản xuất ra của cải vật 
chất. Việc làm của Mã Lương rất có ý nghĩa vì nó giúp cho con người đỡ vất vả nhưng không vì thế mà 
coi thường giá trị lao động.
Với những kẻ tham lam, độc ác, hoặc là Mã Lương kiên quyết cự tuyệt (như đối với tên địa chủ) hoặc là 
em chế giễu (vẽ con cóc, con gà trụi lông cho vua) Cuối cùng em dùng cây bút thần để kết liễu bọn 
chúng.
Mã Lương được các vị thần linh tặng cây bút thần cũng có nghĩa là được trao sứ mệnh giúp đỡ dân 
nghèo, trừ diệt những kẻ tàn ác, tham lam.
4. Trong truyện có nhiều chi tiết lí thú và gợi cảm:
- Mã Lương vẽ chim, chim tung cánh bay và cất tiếng hót. Mã Lương vẽ cá, cá bơi lội tung tăng.
- Tên địa chủ tưởng Mã Lương đã chết đói hoặc chết rét nhưng em đã dùng cây bút thần vẽ bánh để ăn, vẽ
lò để sưởi.
- Vua bắt Mã Lương vẽ rồng, em vẽ một con cóc ghẻ, bắt vẽ phượng em lại vẽ một con gà trụi lông.
- Mã Lương giả vờ theo ý nhà vua, em vẽ biển, vẽ cá, vẽ cả thuyền cho vua đi xem cá, cuối cùng em vẽ 
cuồng phong bão tố nhấn chìm tên vua tham lam.
5. Truyện Cây bút thần thể hiện ước mơ của nhân dân có được sức mạnh và khả năng kì diệu để giúp đỡ 
những người dân nghèo lao động hiệu quả hơn, đồng thời trừng phạt những kẻ tham lam, độc ác. Truyện 
nhằm khẳng định nghệ thuật chân chính luôn gắn liền với tài năng, đức độ, tinh thần say mê sáng tạo và 
chỉ có ý nghĩa khi nó phục vụ cho những mục đích chính đáng của con người. Truyện còn thể hiện mơ 
ước và niềm tin vào những khả năng kì diệu của con người.
III. RÈN LUYỆN KĨ NĂNG
1. Tóm tắt:
Mã Lương là cậu bé mồ côi thông minh và say mê học vẽ từ nhỏ. Em vẽ khắp nơi trên núi, ven sông, dưới
nước, trên tường… nhưng vì nghèo, dẫu ước ao em vẫn không mua được bút vẽ.
Một hôm nằm mơ em được cụ già râu tóc bạc phơ cho chiếc bút thần bằng vàng. Mã Lương cảm ơn và vô
cùng vui sướng. Mã Lương vẽ chim, chim bay lên trời, vẽ cá, cá trườn xuống sông. Em vẽ cuốc, vẽ cày, 
vẽ đèn, vẽ thùng múc nước cho người nghèo.
Tên địa chủ biết chuyện bèn sai đầy tớ bắt Mã Lương về vẽ cho hắn. Bị từ chối, hắn tức giận, đem giam 
Mã Lương vào chuồng ngựa và bỏ đói. Mã Lương vẽ bánh để ăn, vẽ lò để sưởi. Địa chủ tức giận sai đầy 
tớ giết Mã Lương để cướp bút thần. Mã Lương vẽ thang để trèo ra ngoài, vẽ ngựa để chạy trốn, vẽ cung 
tên bắn chết tên địa chủ cầm dao đuổi theo.
Dừng chân ở một thị trấn, Mã Lương vẽ tranh bán để kiếm sống. Vì sơ ý em để lộ cây bút thần. Tên vua 
tham lam, tàn ác bắt Mã Lương vẽ theo ý hắn. Mã Lương cũng không chịu, em thậm chí còn chơi khăm 
nhà vua. Thay vì vẽ rồng, vẽ phượng, Mã Lương vẽ con cóc ghẻ, con gà trụi lông. Vua tức giận cướp lấy 
cây bút thần nhưng hắn vẽ núi vàng thì thành ra núi đá, vẽ cả thỏi vàng thì thành ra con mãng xà toan 
nuốt chửng cả vua.
Thấy không ăn thua, vua bèn xuống nước dỗ dành và hứa gả công chúa cho Mã Lương. Mã Lương vờ 
đồng ý rồi vẽ biển xanh, vẽ thuyền rồng cho vua cùng cả triều thần đi chơi ngắm cá. Cuối cùng, Mã 
Lương vẽ cuồng phong dữ dội nhấn chìm thuyền rồng, chôn vùi tên vua tham lam, độc ác.
Sau đó không ai biết Mã Lương đi đâu. Có người nói em đã trở về quê cũ nhưng cũng có người nói em đi 
khắp nơi, dùng cây bút thần để giúp đỡ những người nghèo.
2. Lời kể:
Muốn kể truyện này, ngoài việc phải thể hiện được thứ tự các tình tiết của câu chuyện, cần xác định rõ 
giọng kể.
- Giọng trần thuật (Ví dụ: “Người ta kẻ lại rằng, ngày xưa có một em bé rất thông minh tên là Mã 
Lương… một chiếc”);
- Giọng đối thoại (ví dụ: “– Đây là cây bút thần, nó sẽ giúp con nhiều”).
Cụ thể:
- Đoạn kể về sự kì diệu của cây bút thần (“vẽ chim, chim tung cánh bay lên trời… vẽ cá, cá vẫy đuôi bơi 
lượn”) thể hiện giọng hào hứng, vui thích.
- Đoạn tên địa chủ tưởng Mã Lương đã chết, mò xuống xem lại thấy em đang ngồi bên lò sưởi ăn bánh… 
cần thể hiện sự kinh ngạc.
- Đoạn Mã Lương làm trái ý nhà vua (vẽ cóc, vẽ gà trụi lông…) kể làm sao diễn tả được sự bất ngờ, khoái
trá.
- Khi Mã Lương trừng trị tên địa chủ và tên vua tham lam cần thể hiện được sự đắc chí, hả hê.
Có hai đoạn đối thoại. Đoạn đầu là khi tiên ông cho Mã Lương cây bút thần, đoạn sau trong chi tiết Mã 
Lương vẽ thuyền rồng cho vua và triều thần ra khơi xem cá.
- Trong đoạn đầu cần thể hiện được niềm sung sướng của Mã Lương khi có được cây bút em hằng mơ 
ước.
- Đoạn sau cần theo sát tâm trạng của tên vua, từ ngạc nhiên (“Biển này sao không có cá nhỉ?”) đến sốt 
ruột thúc giục (“Cho gió to thêm một tí! Cho gió to thêm một tí!”), cuối cùng là hoảng sợ cuống cuồng 
(“Đừng cho gió thổi nữa! Đừng cho gió thổi nữa”).
3. Nhắc lại định nghĩa về truyện cổ tích và kể tên những truyện cổ tích đã học.
Gợi ý:
- Về định nghĩa truyện cổ tích (xem trong bài Sọ Dừa).
- Về tên các truyện cổ tích đã học (xem mục lục và tự thống kê).
Các từ khóa trọng tâm " cần nhớ " của bài viết trên hoặc " cách đặt đề bài " khác của bài viết trên:
• cay but cua trung quoc
• cay but san xuat tai trung quoc
• truyen co tich cay dua than cua ma luong
• truyen co tich nhung than dong trung quoc, 

Nguồn: HocTap-TT

Hướng dẫn soạn bài : Luyện nói kể chuyện

By Anonymous →
LUYỆN NÓI KỂ CHUYỆN

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Chuẩn bị: Lập dàn ý theo bố cục ba phần Mở bàiThân bàiKết bài
2. Luyện nói:
a) Trên lớp:
- Chia tổ luyện nói theo dàn bài đã chuẩn bị
- Nói trước lớp theo dàn bài sau khi đã luyện nói ở tổ
b) Ở nhà:
- Lập dàn bài theo đề cho trước
- Lập dàn bài theo chủ đề mà mình thích
- Tập nói một mình hoặc theo nhóm tự học

II. RÈN LUYỆN KĨ NĂNG

1. Tham khảo các đề sau:
a) Tự giới thiệu về bản thân
b) Giới thiệu về một người bạn
c) Kể về gia đình mình
d) Kể về một ngày hoạt động của mình
2. Tham khảo một số dàn bài
3. Lập dàn bài theo đề tự chọn
4. Đọc bài nói tham khảo
5. Tóm tắt lại thành dàn bài
6. So sánh với dàn bài của mình, tự sửa để hoàn chỉnh bước chuẩn bị
7. Tập nói, lưu ý:
- Nói to, rõ để mọi người đều nghe thấy
- Tập nói diễn cảm, nói kết hợp với điệu bộ, cử chỉ

- Rèn khả năng bình tĩnh, tự tin, tự điều chỉnh giọng nói cho phù hợp với nội dung muốn nói.

Nguồn: HocTap-TT

Hướng dẫn soạn bài : Chữa lỗi dùng từ (Tiếp theo)

By Anonymous →
Hướng dẫn soạn văn, soạn bài, học tốt bài

CHỮA LỖI DÙNG TỪ (TIẾP THEO)


I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Dùng từ không đúng nghĩa
a) Khi dùng từ, cần đảm bảo tính chính xác giữa nghĩa vốn có của từ với nội dung định biểu đạt.
b) Trong các câu sau, người viết đã mắc lỗi dùng từ như thế nào?
(1) Mặc dù còn một số yếu điểm, nhưng so với năm học cũ, lớp 6B đã tiến bộ vượt bậc.
(2) Trong cuộc họp lớp, Lan đã được các bạn nhất trí đề bạt làm lớp trưởng.
(3) Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã được tận mắt chứng thực cảnh nhà tan cửa nát của những người nông dân.
Gợi ý: Trong các câu trên, người viết đã mắc lỗi dùng từ không đúng nghĩa. Hãy tra từ điển để nắm được nghĩa của các từ: yếu điểmđề bạt,chứng thực; xét xem các từ này đã được dùng như thế nào, có đúng không?
- yếu điểm: điểm quan trọng;
- đề bạt: cử giữ chức vụ cao hơn (thường do cấp có thẩm quyền cao quyết định mà không qua bần cử);
- chứng thực: xác nhận là đúng sự thật.
c) Sửa lại lỗi về dùng từ sai nghĩa trong các câu trên:
Đối chiếu nghĩa của các từ trên với nghĩa của các từ nhược điểm (hoặc điểm yếu), bầuchứng kiến, để thấy được độ chính xác khi thay thế.
2. Như vậy, nguyên nhân chính của việc dùng từ không đúng nghĩa là trường hợp người viết (nói) không biết nghĩa của từ, hiểu sai nghĩa của từ hoặc hiểu không đầy đủ nghĩa của từ. Cho nên, để không mắc phải lỗi này khi viết (nói) thì một mặt phải không ngừng trau dồi thêm vốn từ, mặt khác trong những tình huống giao tiếp cụ thể, phải xác định được nghĩa của từ mình dùng, nếu còn chưa chắc chắn về nghĩa của từ nào thì phải tra từ điển để hiểu rõ nghĩa cũng như cách sử dụng nó.

II. RÈN LUYỆN KĨ NĂNG

1. Lựa chọn phương án đúng trong các trường hợp kết hợp từ sau đây:
(1) bản (tuyên ngôn) - bảng (tuyên ngôn);
(2) (tương lai) sáng lạng - (tương lai) xán lạn;
(3) bôn ba (hải ngoại) - buôn ba (hải ngoại);
(4) (bức tranh) thuỷ mặc - (bức tranh) thuỷ mạc;
(5) (nói năng) tuỳ tiện - (nói năng) tự tiện.
Gợi ý:
- Tra từ điển để nắm được nghĩa của các từ tuyên ngônxán lạnbôn bathuỷ mặctuỳ tiện.
- Kết hợp có các từ này là kết hợp đúng.
2. Chọn từ thích hợp để điền vào chỗ trống:
a) khinh khỉnh / khinh bạc
- ...: tỏ ra kiêu ngạo và lạnh nhạt, ra vẻ không thèm để ý đến người đang tiếp xúc với mình.
b) khẩn thiết / khẩn trương
- ...: nhanh, gấp và có phần căng thẳng.
c) bâng khuâng / băn khoăn
- ...: không yên lòng vì có những điều phải suy nghĩ, lo liệu.
Gợi ý: Tra từ điển để nắm được nghĩa của các từ khinh bạckhẩn thiết,bâng khuâng,  rồi so sánh với các lời giải nghĩa. Các từ phù hợp với các lời giải nghĩa sẽ là: khinh khỉnhkhẩn trươngbăn khoăn.
3. Tìm và chữa các lỗi dùng từ trong các câu sau:
(1) Hắn quát lên một tiếng rồi tống một cú đá vào bụng ông Hoạt.
(2) Làm sai thì cần thực thà nhận lỗi, không nên bao biện.
(3) Chúng ta có nhiệm vụ giữ gìn những cái tinh tú của văn hoá dân tộc.
Gợi ý: Câu (1), nghĩa của từ đá không phù hợp với nghĩa của từ tống (thay từ đá bằng từ đấm hoặc thay từ tốngbằng từ tung); câu (2), từ thành khẩnphù hợp với việc nhận lỗi (thay cho thật thà), từ bao biện có nghĩa là ôm đồm làm nhiều việc, không phù hợp, nên thay bằng nguỵ biện (có ý nghĩa tranh cãi giả tạo, vô căn cứ). Câu (3), tinh tú có nghĩa là các vì sao, không phù hợp, nên thay bằng tinh tuý (phần giá trị nhất, quý báu nhất).

Nguồn: HocTap-TT

Hướng dẫn soạn bài: Em bé thông minh

By Anonymous →
Hướng dẫn soạn văn, soạn bài, học tốt bài

EM BÉ THÔNG MINH
 (Truyện cổ tích)

I. VỀ THỂ LOẠI

(Xem trong bài Sọ Dừa).
II. KIẾN THỨC CƠ BẢN
1*. Hình thức dùng các câu đố để thử tài con người rất phổ biến trong các câu chuyện cổ tích. Việc ra câu đố và giải đố, liên kết các sự kiện, nhân vật xung quanh hệ thống câu đố có nhiều tác dụng, trong đó chủ yếu là tạo ra các tình huống để phát triển cốt truyện, tạo sức hấp dẫn, cuốn hút người đọc, người nghe. Bên cạnh đó, tài năng, phẩm chất trí tuệ của các nhân vật cũng được bộc lộ trong quá trình giải quyết các câu đố mà người thường không giải được.
2. Sự mưu trí, thông minh của em bé được thử thách qua bốn lần, lần sau khó hơn lần trước:
- Lần thứ nhất: Trả lời câu hỏi phi lí của viên quan (không ai đi cày lại bỏ công đếm số đường cày trong một ngày).
- Lần thứ hai: Thay mặt dân làng hoá giải câu đố của vua (bắt trâu đực đẻ ra trâu con).
- Lần thứ ba: Trả lời câu đố vua giao cho chính mình (vua đã biết người tài là ai nên không cần đố cả làng nữa).
- Lần thứ tư: Không phải là chuyện giải đố để khẳng định tài năng. Việc giải đố liên quan đến vận mệnh của cả dân tộc (nếu không ai giải được thì tức là đất nước không có người tài, khó có thể chống lại được thế lực hùng hậu của giặc).
3. Trong mỗi lần được thử thách, em bé đã dùng những cách rất thông minh để giải đố. Lần thứ nhất: đố lại viên quan bằng một câu đố tương tự (ngựa một ngày đi được mấy bước?). Lần thứ hai: tạo tình huống để vua tự nói ra sự phi lí trong yêu cầu của mình đối với dân làng. Lần thứ ba: đố lại nhà vua. Lần thứ tư: dùng kinh nghiệm dân gian để giải đố.
 Điều đáng chú ý là khi giải đố, em bé đã không dựa vào các kiến thức sách vở mà sử dụng các kiến thức ngay trong thực tế đời sống. Với những câu đố không thể có lời giải, em bé đã đẩy chính người đố vào thế bí, khiến cho cả người ra câu đố, người chứng kiến (và nhất là các thính giả của câu chuyện) bị bất ngờ, thán phục, làm bật ra tiếng cười vui vẻ.
4. Câu chuyện cổ tích Em bé thông minh đề cao phẩm chất trí tuệ của con người, cụ thể là người lao động nghèo. Đó là trí thông minh được đúc rút từ hiện thực cuộc sống vô cùng phong phú. Những người nông dân khi xưa tuy không mấy ai được cắp sách đến trường nhưng những kinh nghiệm, những kiến thức họ có được là nhờ có cuộc đời, trường học của họ là trường đời.
Bằng các tình huống bất ngờ, truyện đã đem lại cho người đọc, người nghe những tiếng cười vui vẻ, thú vị.

III. RÈN LUYỆN KĨ NĂNG

1. Tóm tắt:
Có ông vua nọ, vì muốn tìm người hiền tài nên đã cho một viên quan đi dò la khắp cả nước. Viên quan ấy đến đâu cũng ra những câu đố oái oăm, hóc búa để thử tài.
Một hôm, viên quan thấy hai cha con đang làm ruộng bèn hỏi một câu rất khó về số đường cày con trâu cày được trong một ngày. Ông bố không trả lời được, cậu con trai nhanh trí hỏi vặn lại khiến viên quan thua cuộc. Biết đã gặp được người tài, viên quan nọ về bẩm báo với vua. Vua tiếp tục thử tài, bắt dân làng đó phải làm sao cho trâu đực đẻ ra trâu con. Bằng cách để cho nhà vua tự nói ra sự vô lí trong yêu cầu của mình, cậu bé đã cứu dân làng thoát tội. Cậu tiếp tục chứng tỏ tài năng bằng cách giải các câu đố tiếp theo và được nhà vua ban thưởng rất hậu.
Vua nước láng giềng muốn kéo quân sang xâm lược nhưng trước hết muốn thử xem nước ta có người tài hay không bèn cho sứ giả mang sang một chiếc vỏ ốc vặn thật dài và đố xâu sợi chỉ qua. Tất cả triều đình không ai giải được lại tìm đến cậu bé. Với trí thông minh khác người, lại sống gần gũi với thực tế, cậu bé vừa chơi vừa giải đố, kết quả là tránh được cho đất nước một cuộc chiến tranh. Nhà vua thấy thế bèn xây dinh thự ngay cạnh hoàng cung để cậu ở cho tiện việc hỏi han đồng thời phong cho cậu làm Trạng nguyên.
2. Lời kể:
Truyện được xây dựng chủ yếu qua hệ thống các câu đố, tạo nên các tình tiết hồi hộp, li kì, hấp dẫn. Do đó, lời kể cần nêu bật cách xử lí tình huống, phương pháp giải đáp vừa linh hoạt vừa đơn giản và hiệu quả đến bất ngờ.
Hệ thống các câu đối thoại rất độc đáo: mỗi kiểu đối thoại thể hiện một đặc điểm tính cách khác nhau.
- Viên quan có giọng hống hách: "Này lão kia, trâu của lão một ngày cày được mấy đường?".
- Giọng em bé láu lỉnh, tinh nghịch, hồn nhiên, dí dỏm, hay hỏi vặn lại nhằm mục đích đẩy người đố vào thế bí, thế bị động.
- Giọng ông bố có vẻ cam chịu, có phần sợ hãi: "Đã ăn thịt còn lo liệu thế nào? Mày đừng có làm dại mà bay mất đầu con ạ!".
3*. Hãy kể một câu chuyện “Em bé thông minh” mà em biết.

Gợi ý: Kể một câu chuyện hoặc một tình huống ứng xử thông minh của một em bé mà em được chứng kiến hoặc được xem trên vô tuyến, đọc trên báo chí. Có thể tham khảo thêm các sách như: Thần đồng xưa của nước tacủa Quốc Chấn, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi (tập 2), Truyện Trạng QuỳnhTruyện Trạng Lợn,… 

Nguồn: HocTap-TT

Soạn bài : Chữa lỗi dùng từ

By Anonymous →
I. KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. Lỗi lặp từ
a) Phân biệt giữa phép lặplỗi lặp:
Hãy so sánh hiện tượng lặp trong đoạn văn (1) và câu (2):
(1) Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép của quân thù. Tre xung phong vào xe tăng, đại bác. Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hi sinh để bảo vệ con người. Tre, anh hùng lao động! Tre, anh hùng chiến đấu!
(2) Truyện dân gian thường có nhiều chi tiết tưởng tượng kì ảo nên em rất thích đọc truyện dân gian.
Gợi ý: Ở trường hợp (1), lặp được sử dụng có chủ đích, từ “tre” được điệp  lại 7 lần là phép lặp nhằm làm tạo nhịp điệu cho lời văn, gợi hình ảnh, nhấn mạnh sức mạnh của tre. Ở trường hợp (2), lặp là lỗi lặp thừa từ ngữ (truyện dân gian) làm cho câu văn rườm rà, gây cảm giác nặng nề.
b) Chữa lỗi lặp từ
+ Bỏ từ ngữ lặp, viết lại câu, ví dụ: Truyện dân gian thường có nhiều chi tiết tưởng tượng kì ảo nên em rất thích đọc hay Em rất thích đọc truyện dân gian vì loại  truyện này có nhiều chi tiết tưởng tượng kì ảo.
+ Thay thế từ ngữ lặp bằng các đơn vị đồng nghĩa, ví dụ: Truyện dân gian có nhiều chi tiết tưởng tượng kì ảo nên em rất thích đọc thể loại này.
2) Lỗi lẫn lộn các từ gần âm
a) Mặt âm thanh, hình thức cấu tạo và mặt ý nghĩa của từ có quan hệ chặt chẽ với nhau. Dùng từ chính xác cũng có nghĩa là phải đảm bảo mối quan hệ giữa các mặt này. Phải phân biệt được các đơn vị từ gần âm để tránh nhầm lẫn. Bởi vì âm sai thì cái được biểu đạt (ý nghĩa) cũng không thể chính xác.
b) Trong các câu sau, từ nào dùng không đúng? Hãy chỉ ra nguyên nhân dẫn đến việc dùng sai và sửa lại cho chuẩn xác.
- Ngày mai, chúng em sẽ đi thăm quan Viện bảo tàng của tỉnh.
- Ông hoạ sĩ già nhấp nháy bộ ria mép quen thuộc.
Gợi ý:
- Phân biệt hai từ thăm quantham quan: trong tiếng Việt không có từ thăm quan, trường hợp này người sử dụng lẫn với từ tham quan (tận mắt xem xét để mở rộng hiểu biết hay thưởng thức).
- Phân biệt hai từ nhấp nháymấp máy: Nhấp nháy – mở ra lại nhắm lại liên tiếp, hoặc chỉ ánh sáng lúc loé lên, lúc tắt liên tục; mấp máy chỉ chuyển động khẽ, liên tiếp. Như vậy ở đây phải dùng mấp máy thay cho nhấp nháy.
II. RÈN LUYỆN KĨ NĂNG
1. Tìm và chữa lỗi dùng từ trong các câu sau:
a) Bạn Lan là một lớp trưởng gương mẫu nên cả lớp ai cũng đều rất lấy làm quý mến bạn Lan.
b) Sau khi nghe cô giáo kể câu chuyện ấy, chúng tôi ai cũng thích những nhân vật trong câu chuyện này vì những nhân vật ấy đều là những nhân vật có phẩm chất đạo đức tốt đẹp.
c) Quá trình vượt núi cao cũng là quá trình con người trưởng thành, lớn lên.
Gợi ý:
- Câu (a), lỗi lặp thừa từ, chữa: Bạn Lan là một lớp trưởng gương mẫu nên cả lớp ai cũng quý mến.
- Câu (b), lỗi lặp thừa từ, chữa: Sau khi nghe cô giáo kể, chúng tôi ai cũng thích những nhân vật trong câu chuyện vì họ đều là những người có phẩm chất tốt đẹp.
- Câu (c), lỗi lặp thừa từ, chữa: Quá trình vượt núi cao cũng là quá trình con người trưởng thành.
2) Tìm, chỉ ra nguyên nhân và chữa các lỗi về dùng từ trong các câu sau:
a) Tiếng Việt có khả năng diễn tả linh động mọi trạng thái tình cảm của con người.
b) Có một số bạn còn bàng quang với lớp.
c) Vùng này còn khá nhiều thủ tục như: ma chay, cưới xin đều cỗ bàn linh đình; ốm không đi bệnh viện mà ở nhà cúng bái,…
Gợi ý: Các câu đều mắc lỗi lẫn lộn các từ gần âm
- Hãy so sánh để phân biệt ý nghĩa của các từ gần âm, dễ nhầm lẫn:
+ linh động / sinh động: linh động nghĩa là không gò bó, câu nệ vào khuôn mẫu, không theo nguyên tắc một cách cứng nhắc; sinh động nghĩa là có khă năng gợi ra những trạng thái, hình ảnh ở nhiều dạng vẻ khác nhau như cuộc sống thực.
+ bàng quang / bàng quan: bàng quang chỉ bộ phận chứa nước tiểu; bàng quan là thái độ thờ ơ, xem mình như người đứng ngoài, làm như không có quan hệ đến mình.
+ thủ tục / hủ tục: thủ tục chỉ những việc làm phải theo trình tự đã quy định; hủ tục chỉ những phong tục đã lạc hậu, lỗi thời, không lành mạnh.
- Chữa lại là:
+ Tiếng Việt có khả năng diễn tả sinh động mọi trạng thái tình cảm của con người.
+ Có một số bạn còn bàng quan với lớp.
+ Vùng này còn khá nhiều hủ tục như: ma chay, cưới xin đều cỗ bàn linh đình; ốm không đi bệnh viện mà ở nhà cúng bái,…

Các từ khóa trọng tâm " cần nhớ " của bài viết trên hoặc " cách đặt đề bài " khác của bài viết trên:

·  văn lớp 6 bài chữa lỗi dùng từ ngữ văn 6,

Nguồn: HocTap-TT