Bài 4: Sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị trong truyện "Vợ chồng A Phủ".
"Vợ chồng A Phủ" (1953), "Miền Tây"(1967), "Vừ A Dính" (1962)... là những tác phẩm nổi tiếng của Tô Hoài viết về phong tục , cảnh sắc và con người miền Tây của Tổ Quốc ta.Tô Hoài đã từng nói:"Tôi coi Việt Bắc ,Tây Bắc cũng như một quê hương đề tài của tôi..." (Văn nghệ số 14.10.1995). Tập truyện"Tây Bắc" là một nét son chói lọi đầu tiên của sự nghiệp văn chương Tô Hoài viết về đề tài miền Tây. Một chuyến đi dài, Tô Hoài theo bộ đội vào giải phóng Tây Bắc (1952), ông đã viết thành công tác phẩm "Truyện Tây Bắc", trong đó có truyện "Vợ chồng A Phủ". Qua truyện ngắn này, Tô Hoài đã phản ánh nỗi thống khổ và sự vùng dậy của người Mèo ở Tây Bắc, một lòng quyết tâm đi theo kháng chiến để giành lấy tình yêu, hạnh phúc.
Những trang viết về Mị - một trong hai nhân vật chính của truyện là vô cùng cảm động. Mị tuy bị chà đạp, bị giày xéo trong bể khổ cuộc đời, nhưng cô đã có một sức sống tiềm tàng kì lạ!
Mị là một cô gái trẻ và đẹp, duyên dáng, hiếu thảo, thổi sáo hay, "có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị". Nhà nghèo, năm nào bố Mị cũng phải trả nợ lãi một nương ngô cho thống lí Pá Tra. Bố đã già, Mị thương bố lắm. Cô đã nói với bố: "Con nay đã biết cuốc nương ngô, con phải làm nương ngô giả nợ thay cho bố. Bố đừng bán con cho nhà giàu". Món nợ truyền kiếp mà bố Mị vay của thống lí như một oan trái cuộc đời. Mị đã bị A Sử - con trai thống lí đánh lừa bắt về cúng trình ma. Mị trở thành con dâu gạt nợ... Đau xót quá ! "Chao ôi ! Thế là cha mẹ ăn bạc của nhà giàu từ kiếp trước, bây giờ người ta bắt bán con trừ nợ. Không thể làm thế nào khác được rồi !". Tiếng than của bố Mị nói lên một sự thật cay đắng: Mị là con dâu gạt nợ của thống lí Pá Tra - điều đó như một định mệnh bi thảm!
Những năm đằng đẵng làm dâu gạt nợ, Mị bị đối xử hết sức tàn tệ, chẳng khác gì một con vật.Phải làm quần quật quanh năm, suốt tháng. Lên núi hái thuốc phiện, giặt đay, xe đay, đi nương bẻ bắp, lúc hái củi bung ngô, lúc nào Mị cũng phải gài một bó đay trong cánh tay để tước thành sợi. Mị chẳng khác nào con trâu, con ngựa nhà thống lí. Khổ cực quá chừng: "Con ngựa, con trâu làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi vào việc làm cả đêm cả ngày".
Tuổi trẻ, sắc đẹp của Mị bị tước đoạt, vùi dập. Cô như một đóa hoa rừng chóng héo tàn, lúc nào cũng "cúi mặt, mặt buồn rười rượi". Buồng Mị ở như một cái chuồng nhốt thú, kín mít, tối om, chỉ có một lỗ nhỏ bằng bàn tay, nhìn ra ngoài "chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng". Đau khổ quá "Mị nghĩ rằng mình cứ chỉ ngồi trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra, đến bao giờ chết thì thôi!". Nỗi ám ảnh ấy thật ghê sợ. Mị như một linh hồn chết.
Cứ tưởng rằng Mị cam chịu số phận. Nhưng cô đã hết sức vùng vẫy cố thoát khỏi cái dây oan nghiệt của số phận. Hàng mấy tháng liền, đêm nào Mị cũng khóc. Mị trốn về nhà, tròng mắt đỏ hoe. Gặp bố "Mị quỳ lạy, úp mặt xuống đất, nức nở". Lần đầu tiên, Mị phản kháng lại số phận tủi nhục, hái lá ngón toan ăn để tự tử. Nhưng Mị chết đi, ai sẽ làm nương ngô giả được nợ thống lí, khi bố Mị đã "ốm yếu quá rồi". Thương bố, Mị "không đành lòng chết". Mị bưng mặt khóc, ném nắm lá ngón xuống đất "đành trở lại nhà thống lí", cam chịu kiếp ngựa trâu, sống lùi lũi như con rùa trong xó cửa. Biết bao mùa xuân trôi qua ! Biết bao nhiêu nước mắt Mị đã chảy xuống. Cũng như bao người đàn bà khác trong nhà thống lí "một đời con người chỉ biết đi theo đuôi con ngựa của chồng". Mị cam chịu số phận: "ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi"... Mị thấy mình chỉ là con trâu, con ngựa "chỉ biết ăn cỏ, biết đi làm mà thôi!". Một đời con gái, một kiếp người bị vùi dập đến tê dại như thế thì sự đau khổ đã tột cùng rồi!
Một bất ngờ khác lại đến với người đọc. Lần thứ hai, Mị lại vùng dậy. Ngày tết đến, Mị đã lén lấy hũ rượu "uống ừng ực từng bát" rồi say, "lịm mặt" ngồi xem bọn nhảy đồng, người hát, nhưng "lòng Mị thì đang sống về ngày trước". Con gái vùng rẻo cao, ai mà chẳng uống rượu ? Chắc là Mị đã từng uống rượu, nhưng cách uống rượu "ừng ực từng bát" thì đây là lần đầu tiên. Mị uống cho quên hết mọi đau khổ ? Mị uống cho hả giận ? Hay Mị mượn bát rượu để thức tỉnh lòng mình sống lại cùng với mùa xuân, với những đêm tình mùa xuân thời con gái ? Nếu những năm tháng đã qua, bếp lửa và ngọn lửa đã sưởi ấm lòng Mị, đã làm nguôi đi, vợi đi bao đau nhục cuộc đời, thì giờ đây, tiếng sáo, tiếng hát của trai gái Mèo tha thiết gọi bạn tình đã khơi dậy trong lòng Mị bao khát khao:
"Anh ném pao, em không bắt
 Em không yêu, quả pao rơi rồi...".
Mị đã tự ý thức về mình. Mị thấy lòng phơi phới, vui sướng như thời con gái bước vào những đêm tình mùa xuân. Mị thấy mình "trẻ lắm... vẫn còn trẻ". Mị thấy mình cô đơn. Mị phải đi chơi. Bao nhiêu cô gái khác đã có chồng vẫn đi chơi. Thật là vô lí, hơn nữa Mị thấy mình với A Sử "không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau". Mị khóc. Mị thương mình đau khổ. Mị ghê tởm thường A Sử "còn muốn rình bắt mấy người con gái nữa về làm vợ"... Mị muốn ăn lá ngón cho chết ngay ! Một sức sống tiềm tàng trong lòng Mị như hòn than hồng ẩm ỉ cháy. Bạo lực, Mị cũng chẳng sợ. Mị xắn mỡ bỏ vào đĩa đèn cho sáng, rồi cô quấn lại tóc, với  lấy váy hoa, rút thêm cái áo, chuẩn bị đi chơi xuân. Hành động Mị diễn ra trước mắt thằng A Sử. Như thách thức. Không thèm trả lời khi hắn hỏi: "Mày muốn đi chơi à?". Sự vùng dậy của Mị lần này lại phải trả giá! Thằng con trai của nhà thống lí vô cùng tàn ác đã trói đứng Mị trong buồng tối bằng một thúng sợi đay và còn quấn cả tóc Mị lên cột, làm cho cô "không cúi không nghiêng được đầu nữa". Nhưng sức sống vẫn tiềm  ẩn trong lòng người con gái Mèo này. Suốt đêm bị trói đứng "dây trói thít lại, đau nhức", lúc mê lúc tỉnh, Mị "nồng nàn tha thiết nhớ" và cô bồi hồi: "Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi". Tâm trí Mị chập chờn "có lúc vùng bước đi", nhưng bị trói, đi sao được? Nghe tiếng ngựa gãi chân, nhai cỏ "Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa".
Chúng ta đã từng đọc truyện thơ "Tiễn dặn người yêu"Cô gái Thái bị ép duyên đau khổ than thân: "Ngẫm thân em chỉ bằng thân con bọ ngựa - Bằng con chẫu chuộc thôi...". Nỗi cay đắng của Mị còn gấp trăm gấp nghìn lần như thế ! Được cởi trói do một sự tình cờ, cô lại phải vào rừng hái lá thuốc, suốt đêm ngồi hầu hạ, xoa thuốc dấu cho A Sử. Đau ê ẩm, mỏi quá, Mị "gục đầu nằm thiếp đi" lại bị tên khốn kiếp "đạp chân vào mặt". Tô Hoài đã ghi lại một cách cảm động sự vùng dậy lần thứ hai của Mị với bao vùi dập, đau đớn ê chề ! Mị vẫn chưa gục ngã trước số phận!
Lần thứ ba, Mị lại vùng dậy. Hình như số phận của Mị đã gắn liền với số phận của A Phủ như một tiền định. Một bên là con dâu gạt nợ, một bên là kẻ phạm tội đánh con quan. Cả hai đều là con trâu, con ngựa của nhà thống lí Pá Tra. Mị đã bị A Sử trói đứng. A Phủ vì tội để hổ bắt mất bò đã bị Pá Tra trói vào cọc bằng một cuộn dây mây, "quấn từ chân lên vai, chỉ còn cổ và đầu hơi lúc lắc được". Làm sao bắt được con hổ? A Phủ nhất định bị thế mạng. Suốt mấy ngày đêm bị trói"A Phủ chỉ đứng nhắm mắt". Má A Phủ đã xám lại. A Phủ sắp chết! Giữa đêm khuya từ bếp lửa nhìn sang, Mị nhìn những giọt nước mắt lăn bò trên má A Phủ mà xót xa, động lòng: "Trời ơi, nó bắt trói đứng người ta đến chết...". Mị căm thù nguyền rủa cha con thống lí: "Chúng nó thật độc ác... Người kia việc gì mà phải chết thế...". Mị không còn biết sợ hãi nữa. Cô đã dùng dao nhỏ cắt lúa, cắt nút dây mây, cởi trói cho A Phủ, cứu thoát A Phủ. Như một lời khích lệ: "Đi ngay!". Mị đã vùng chạy theo A Phủ. Cô đã nói: "A Phủ cho tôi đi... ở đây thì chết mất!". Lương tâm thức tỉnh. Mị cứu A Phủ và cũng là tự cứu mình. Thật là dữ dội và khủng khiếp. Tình huống truyện tạo nên tính bi kịch của số phận. Bao nhiêu máu và nước mắt, Mị mới giành được tự do. Mị thương người, tự thương mình. Khát vọng về tự do và hạnh phúc, là nguồn sức mạnh vùng dậy của Mị.
Trốn khỏi Hồng Ngài, Mị và A Phủ đi suốt một mùa mưa, vượt qua những triền núi đá tai mèo, họ nên vợ nên chồng khi đến khu du kích Phiềng Sa. Hành động cắt dây trói cứu A Phủ và cùng A Phủ chạy trốn là điểm đỉnh sự vùng dậy của Mị, là sự thể hiện sức sống tiềm tàng của người con gái Mèo trong truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ". Khát vọng về tự do, hạnh phúc, về quyền sống của con người đã cho nhân vật Mị nhiều sức mạnh để vùng dậy. Sức sống tiềm tàng của Mị đã khẳng định một chân lí: Bạo lực không đè bẹp được khát vọng tự do! Sức sống tiềm  tàng của Mị mang tính điển hình sâu sắc, thể hiện một cách cụ thể, chân thực và sống động cho sự vùng dậy của người Mèo trên con đường đi tìm hạnh phúc, tự do và họ đã đến với cách mạng và kháng chiến.
Nhân vật Mị được nhà văn Tô Hoài miêu tả và khám phá trong chiều sâu tâm hồn, trong những biến thái "thăng trầm, gấp khúc" của tâm trạng. Miêu tả thành công sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị, ngòi bút nghệ thuật của Tô Hoài đã làm cho truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ" sáng bừng giá trị nhân đạo. Người đọc mãi mãi thấm thía về cái giá của tình yêu tuổi trẻ và hạnh phúc, tự do.
  
Bài 5: Phân tích diễn biến tâm trạng và hành động nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài
Đề tài Tây Bắc in đậm trong sự nghiệp văn chương của Tô Hoài: "Truyện Tây Bắc", "Miền Tây", "Họ Giàng ở Phìn Sa"... Truyện "Vợ chồng A Phủ" mang ý nghĩa như một "chiến công"của nhà văn Hà Nội này khi theo bộ đội vào giải phóng Tây Bắc (1952). Truyện kể về cuộc đời của Mị và A Phủ ở Hồng Ngài trong nhà thống lí Pá Tra và khi làm chiến sĩ du kích ở căn cứ Phiềng Sa. Qua đó, tác giả nói lên nỗi thống khổ và sự vùng dậy của người Mèo ở Tây Bắc, một lòng quyết tâm tham gia kháng chiến để giành lấy tự do, tình yêu và hạnh phúc.
Nhân vật Mị là một sáng tạo đặc sắc của Tô Hoài. Đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài là tình tiết cảm động nhất, hay nhất của truyện đã thể hiện khát vọng sống, khao khát tình yêu của người con dâu gạt nợ.
1. Mị mồ côi mẹ, ở với cha già. Mị xinh đẹp, tuổi xuân phơi phới. Vì món nợ truyền kiếp. Mị trở thành con dâu gạt nợ nhà thống lí Pá Tra. Tuổi xuân của Mị bị thằng A Sử, con trai thống lí tước đoạt, giày xéo. Mị khổ như con trâu con ngựa. Mị toan ăn lá ngón tự tử, nhưng thương cha già, Mị chết không đành lòng. Sống trong đau khổ, Mị gần như vô cảm vô hồn "càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa".
2. Xuân qua rồi xuân lại trở lại. Đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài lại đến. Cả một không gian tưng bừng. Lúa ngô ở các nương đã thu hoạch xong. Gió và rét dữ dội. Cảnh sắc làng Mèo càng đẹp. Màu "vàng ửng" của cỏ gianh. Màu trắng, màu đỏ au, đỏ thậm, màu tím man mát của hoa thuốc phiện vừa nở. Màu "sặc sỡ" của những chiếc váy hoa phơi trên mỏm đá xòe như con bướm. Tiếng "cười ầm" của đám trẻ con chơi quay. Tiếng sáo thổi rủ bạn đi chơi. Tiếng chó sủa xa xa... Trước cảnh tưng bừng ấy, cứ tưởng Mị "Riêng mình nào biết có xuân là gì ?”. Nhưng thật bất ngờ. Những đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài đã hồi sinh và hồi xuân tâm hồn Mị. Tâm trạng và hành động Mị được Tô Hoài thể hiện một cách tinh tế, xúc động.
3. Trong lúc trai gái và lũ trẻ con tụ tập đánh pao, đánh quay, thổi sáo, thổi khèn và nhảy trên sân chơi thì Mị "tha thiết bồi hồi" khi nghe tiếng sáo từ đầu núi "vọng lại". Mị "nhẩm thầm" bài hát của người đang thổi sáo:
"... Ta không có con trai con gái - Ta đi tìm người yêu....". Sau bao mùa xuân câm lặng, có lẽ đây là lần đầu tiên người con dâu gạt nợ khẽ thầm hát ?
Tiếng sáo đã gợi thương gợi nhớ và thức tỉnh. Mị lén lấy hũ rượu, "uống ừng ực từng bát". Uống rượu như nuốt hận. Hay uống cho vơi đi nỗi đau khổ ? Say rượu "lịm mặt", tâm trạng Mị diễn biến. Mị hồi tưởng "sống về ngày trước". Tiếng sáo gọi bạn tình "văng vẳng" trong tai Mị. Bao kỉ niệm đẹp thời con gái sống dậy trong lòng Mị. Mị thổi sáo giỏi... Có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị. Hồi tưởng lại mùa xuân đẹp thời con gái, điều đó cho thấy Mị đã được thức tỉnh. Khát vọng sống như ngọn lửa đã bừng sáng tâm hồn Mị.
Mị "từ từ bước vào buồng" với tâm trạng "thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm tết ngày trước". Mị được thức tỉnh, tự ý thức là mình "trẻ lắm", "vẫn còn trẻ". Mị khao khát "Mị muốn đi chơi".
Khát vọng sống như ngọn lửa bừng cháy bao nhiêu Mị lại phẫn uất bấy nhiêu! Phẫn uất và đau khổ cho thân phận và số phận trớ trêu đầy bi kịch. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi ngày Tết. A Sử với Mị "không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau !". Không thể cam chịu mãi kiếp con dâu gạt nợ. Mị muốn ăn lá ngón cho chết ngay ! Uất ức, nước mắt Mị ứa ra, khi tiếng sáo gọi bạn yêu "vẫn lửng lơ bay ngoài đường". Tâm hồn Mị diễn biến phức tạp trong quá trình thức tỉnh, nổi loạn. Mị đang sống trong nghịch lí giữa thân phận con dâu gạt nợ và niềm phơi phới muốn đi chơi Tết. Liệu Mị có dám phá tung và cắt đứt sợi dây oan nghiệt đang thít chặt lấy số phận, thân phận mình để đến với những cuộc chơi cùng với tiếng sáo gọi bạn yêu ?
4. Mị vào buồng lần này không phải để nhìn qua "cái lỗ vuông" để nghĩ đến cái chết, mà Mị đã hành động một cách mạnh mẽ, ngang nhiên trước mặt A Sử khi hắn xuất hiện bất ngờ trong buồng. A Sử thay áo mới, khoác thêm hai vòng bạc... để đi chơi rình bắt gái đem về làm vợ. Mị cũng chuẩn bị đi chơi Tết. Như thách thức. Mị đã hành động. Xắn thêm miếng mỡ bỏ vào đĩa đèn cho sáng. Quấn lại tóc. Với tay lấy cái váy hoa. Rút thêm cái áo. A Sử nhìn Mị, Mị "cũng không nói" hay không thèm nói ? Hàng loạt hành động "nổi loạn" của Mị diễn ra liên tiếp khi tiếng sáo đang "rập rờn" trong đầu Mị. Tiếng sáo gọi bạn tình như đem đến cho Mị một sức mạnh mới, khơi gợi lòng khao khát yêu đương và hạnh phúc. Khi Mị với tay lấy váy hoa... là Mị thực sự được thức tỉnh, được sống lại thời con gái với bao ước mơ đẹp.
5. Sự phản kháng của Mị phải trả giá nặng nề. Chỉ sau một câu hỏi: "Mày muốn đi chơi à ? Thằng A Sử độc ác đã trói Mị vào cột nhà bằng một thúng sợi đay. Hai tay Mị bị trói bằng dây thắt lưng, tóc Mị quấn lên cột, Mị "không cúi, không nghiêng được đầu nữa". Thể hiện diễn biến tâm trạng và hành động Mị trong cảnh Mị bị trói trong đêm tình mùa xuân, ngòi bút nghệ thuật của Tô  Hoài như đã "nhập hồn" vào nhân vật. Trong bóng tối, Mị "đứng im lặng". Hơi rượu còn"nồng nàn" như nâng đỡ tâm hồn Mị. Quên đau khổ, đau đớn thực tại, Mị "vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi". Mị vùng bước đi, lòng "bồi hồi" theo tiếng sáo: "Em không yêu quả pao rơi rồi - Em yêu người nào, em bắt pao nào...". Mị lại trở lại thực tại đau đớn, khổ nhục "tay chân đầu không cựa được". Mị "thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa" khi nghe tiếng ngựa "gãi chân", nhai cỏ, tiếng chó sủa xa xa. Mị nghĩ đến những cảnh tình tự của bao cặp tình nhân giờ này đã "dỡ vách ra rừng chơi". Mị nín khóc, Mị lại bồi hồi trong trạng thái lúc mê lúc tỉnh. Dây trói thít lại, đau nhức. Hơi rượu tỏa, Mị "nồng nàn tha thiết nhớ".
Bị trói đứng suốt đêm, Mị "bàng hoàng tỉnh" lúc trời sáng. Chỉ nghe tiếng lửa réo - Không một tiếng động - Mị nghĩ đến các vợ chú, thương những người đàn bà "khốn khổ sa vào nhà quan"; thương người đàn bà nọ bị chồng trói chết trong nhà thống lí. Mị vừa thương mình, vừa thương người, thương cho thân phận những người đàn bà ở Hồng Ngài "một đời con người chỉ biết đi theo đuôi con ngựa của chồng". Mị sợ hãi "cựa quậy" xem mình còn sống hay chết. Dây trói xiết lại "đau dứt từng mảnh thịt".
Nhờ một sự tình cờ mà Mị thoát chết trong đêm hãi hùng đó. Đoạn văn đêm tình mùa xuân có 3 cảnh. Cảnh Mị ngồi nhẩm thầm tiếng sáo và lén uống rượu ừng ực từng bát. Cảnh Mị chuẩn bị váy áo đi chơi. Cảnh Mị bị A Sử trói đứng suốt đêm trong buồng. Cảnh nào, chi tiết nào cũng sinh động, điển hình cho bi kịch của Mị, của người con dâu gạt nợ. Đoạn văn đêm tình mùa xuân thể hiện ngòi bút kể chuyện cảm động, phân tích diễn biến tâm trạng và hành động nhân vật một cách tinh tế, sâu sắc. Tiếng sáo gọi bạn tình được Tô Hoài nhắc đi nhắc lại 13 lần đầy ám ảnh, như thức tỉnh, như lay gọi, như vỗ về niềm khao khát đi chơi Tết, khao khát được sống trong tình yêu và mùa xuân của người con dâu gạt nợ.
Sự "nổi loạn" của Mị cho thấy sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị mà máu và sự dã man không thể nào vùi dập được ! Đêm tình mùa xuân thấm đẫm tính nhân văn. Nó đã góp  phần tô đậm tính cách nhân vật Mị. Nó đã thể hiện một cách xúc động giá trị hiện thực và tinh thần nhân đạo của truyện "Vợ chồng A Phủ".

Bài 6: Qua nhân vật Mị và A Phủ hãy chứng minh giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc của truyện "Vợ chồng A Phủ". 

Cùng với tiếng sáo thiết tha, câu hát của chàng trai Hmông trong đêm tình mùa xuân càng trở nên bồi bồi:
"Mày có con trai con gái rồi
Mày đi làm nương
Ta không có con trai con gái
Ta đi tìm người yêu".
Và những chiếc váy hoa của các cô gái trong các làng Hmông đỏ đem phơi nắng trên mỏm đá"xòe như con bướm sặc sỡ". Chuyện thống lí Pá Tra và bọn chức việc Hồng Ngài xử kiện kẻ đánh con quan, chuyện A Phủ và A Châu uống tiết gà trong lễ ăn sùng "làm anh em" kết nghĩa... đã cho ta nhiều xúc động khi đọc truyện "Vợ chồng A Phủ" của Tô Hoài.
Truyện ngắn này rút trong tập "Truyện Tây Bắc", giải nhất giải thưởng của Hội Văn nghệ Việt Nam 1954-1955. Nó là kết quả của chuyến đi 8 tháng vào năm 1952, khi nhà văn Tô Hoài theo bộ đội vào giải phóng Tây Bắc.
Mị và A Phủ là hai nhân vật chính của truyện đã trải qua những năm tháng dài bi thảm. Mị là con dâu gạt nợ của thống lí Pá Tra. A Phủ vì tội đánh con quan mà trở thành nô lệ. Hai người đã cứu nhau cùng chạy trốn từ Hồng Ngài đến Phiềng Sa, nên vợ nên chồng, rồi trở thành chiến sĩ du kích. Đây là một truyện ngắn viết về đề tài miền núi rất thành công, giàu giá trị hiện thực và nhân đạo. Tác phẩm đã phản ánh một cách chân thực cảm động về nỗi thống khổ và sự vùng dậy của người Hmông ở Tây Bắc.
1. Giá trị hiện thực.
Thông qua số phận của Mị và A Phủ, nhà văn Tô Hoài đã dựng lại quãng đường đời đầy đau khổ của họ, tiêu biểu cho nỗi thống khổ của người Hmông dưới ách thống trị vô cùng tàn bạo của bọn Tây đồn và lũ tay sai. Cuộc đời của Mị và A Phủ đã thấm nhiều máu và nước mắt. Những gì đẹp đẽ nhất thời thanh xuân của hai người đã bị cha con thống lí Pá Tra tước đoạt và giày xéo.
Pá Tra là chúa đất vùng Hmông Hồng Ngài, hắn là tay sai đắc lực của giặc Pháp đã được bọn Tây đồn cho muối, vải về bán, ăn của dân nhiều, giàu lắm "nhiều nương, nhiều bạc, nhiều thuốc phiện nhất làng". Bố Mị mắc nợ thống lí một món tiền nhỏ, năm nào cũng phải trả lãi một nương ngô; món nợ truyền kiếp từ ngày bố mẹ Mị mới lấy nhau. Nay mẹ Mị đã chết, bố đã già mà món nợ vẫn như một sợi dây oan nghiệt ! A Sử là con trai thống lí, dựa vào uy quyền của bố, hắn đã lừa bắt được nhiều cô gái Hmông về làm vợ. Mị là một cô gái trẻ, đẹp, thổi khèn rất hay, nhiều chàng trai mê"ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị". Nhưng cô đã bị A Sử đánh lừa, bắt về cúng trình ma trở thành con dâu gạt nợ nhà thống lí. Từ đó, Mị đã trải qua những năm dài cực nhục; mặt buồn rười rượi; làm quần quật suốt ngày đêm, chẳng khác nào con ngựa, con trâu trong chuồng, con rùa trong xó cửa. Trong truyện thơ "Tiễn dặn người yêu", cô gái Thái bị ép duyên, đau khổ than thân:
"Ngẫm thân em chỉ bằng thân con bọ ngựa
Bằng con chẫu chuộc thôi !".
ở đây, Mị có lúc tủi thân nghĩ rằng mình không bằng con ngựa... Nơi Mị ở, nơi bị nhốt là một cái buồng kín mít, chỉ có một lỗ nhỏ bằng bàn tay, nhìn ra bên ngoài chỉ thấy trăng trắng không biết là sương hay là nắng. Đó là những chi tiết rất hiện thực. Có lúc người đọc phải thốt lên: Cái ác nơi vùng rẻo cao đáng sợ quá chừng ! Thân phận người Hmông ngày xưa sao nhiều cay đắng thế !
Trong "cái chuồng thú" ấy, Mị đã bị A Sử trói đứng suốt một đêm dài, trói bằng tóc và bằng cả một thúng sợi đay "khắp người bị dây trói thít lại, đau nhức".
Khổ nhục quá, "có đến hàng mấy tháng đêm nào Mị cũng khóc". Có lúc Mị toan ăn lá ngón tự tử, nhưng vì bố đã già, Mị chết ai làm nương ngô giả nợ thống lí! Chết không đành, Mị phải trở về cái buồng kín mít làm thân con trâu, con ngựa. Tô Hoài đã viết một câu vô cùng ai oán: "ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi". Tuổi trẻ của Mị đã bị giày xéo đến tận bùn đen, cho nên đi đâu, ngồi đâu, cô "cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi". Mị khao khát hạnh phúc, nhưng cô bị chà đạp, tâm hồn héo hắt mỏi mòn. Những đêm đông dài trên rẻo cao, đêm nào Mị cũng dậy lúc nửa đêm để sưởi, cô "chỉ biết chỉ còn ở với ngọn lửa". Nhiều đêm A Sử đi đâu về, thấy Mị ngồi sưởi hắn đã đạp cô "ngã ngay xuống cửa bếp".
Sự tàn ác của cha con thống lí Pá Tra là hành động cướp giật hạnh phúc, đày đọa tuổi trẻ, giết chết phần tốt đẹp nhất của người con gái đáng thương. Cha con thống lí đã sử dụng cường quyền và thần quyền (cúng trình ma) để áp bức bóc lột dã man người lao động. Tô Hoài đã lên án một cách mạnh mẽ bộ mặt ghê tởm của bọn lãnh chúa, bọn thổ ty, lũ thống lí trong xã hội người Hmông trước đây.
Bên cạnh hình ảnh Mị là hình ảnh A Phủ, một con người trải qua nhiều bất hạnh. Cha, mẹ, anh em chết vì trận dịch bệnh đậu mùa. A Phủ bị người ta đem bán cho người Thái. A Phủ lại trốn về quê, đi làm thuê kiếm ăn lần hồi. Đói rét, tật bệnh không giết nổi, A Phủ đã lớn, "chạy nhanh như ngựa", biết đúc lưỡi cày, săn bò tót rất bạo. Nhiều cô gái mê, nhiều người nói: "Đứa nào được A Phủ cũng bằng có được con trâu tốt trong nhà, chẳng mấy lúc mà giàu". Nhưng vì các loại hủ tục "phép rượu", "phép làng" và "tục lệ cưới xin" nên A Phủ vẫn tứ cố vô thân. Vì tội đánh con quan mà A Phủ bị bắt trói như con lợn đem giết thịt, bị đánh đập từ chiều cho đến thâu đêm, mặt và mép đầy máu, "quỳ chịu đòn, chỉ im như cái tượng đá". Hai đầu gối "sưng bạnh lên như mặt hổ phù". Thống lí và bọn chức việc "càng hút, càng tỉnh, càng đánh, càng chửi, càng hút". Chúng nó hút thuốc phiện "như những con mọt nghiến gỗ kéo dài". A Phủ không bị giết mà bị phạt vạ 100 đồng bạc trắng. Thống lí đã cho A Phủ "vay". A Phủ trở thành "con trâu con ngựa" cho nhà Pá Tra từ đấy! "Đời mày, đời con, đời cháu mày tao cũng bắt thế, bao giờ hết nợ tao mới thôi !".
Từ đó, A Phủ như một tên nô lệ: đốt rừng, săn bò tót, bẫy hổ, chăn ngựa quanh năm một mình bôn ba dong ruổi ngoài gò ngoài rừng. "Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí". Hổ bắt mất bò, Pá Tra quát A Phủ: "Quân ăn cướp làm mất bò tao!". A Phủ bị trói vào cái cọc bằng một cuộn dây mây, trói cho đến chết nếu không bắt được hổ! A Phủ bị trói suốt mấy đêm ngày, đói, rét, đau đớn, đôi hõm má "đã xạm đen lại" sắp chết!.
Mị và A Phủ  tuy cảnh ngộ khác nhau, nhưng đều trở thành nô lệ cho nhà thống lí. Tuổi trẻ, thân xác, tâm hồn... bị chà đạp dã man. Tô Hoài đã xây dựng nhân vật Mị và A Phủ đối lập với cha con thống lí Pá Tra, khắc họa bi kịch của số phận, từ đó làm nổi bật giá trị hiện thực của truyện ngắn này.
2. Giá trị nhân đạo.
Truyện "Vợ chồng A Phủ" còn có giá trị nhân đạo cao đẹp. Mị đã vứt nắm lá ngón vì thương cha già: Mị chết ai làm nương trả nợ thay cha. Mị thương xót một người đàn bà ngày trước đã "bị bắt trói đến chết" ở cái nhà này. Mị có lúc xót xa, tự thương mình đã bị bắt về "trình ma nhà nó rồi chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi...".
Thương mình rồi thương người, Mị căm giận cái ác và kẻ ác. Nhìn A Phủ bị trói, Mị vừa sợ vừa lo, cô xót xa thương cảm: "Cơ chừng này chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết". Mị căm giận nguyền rủa cha con thống lí: "Trời ơi... Chúng nó thật độc ác !". Hành động Mị lấy dao nhỏ cắt nút dây mây cứu sống A Phủ biểu lộ sâu sắc nhất tinh thần nhân đạo. A Phủ chạy trốn, Mị cùng vùng chạy theo. Mẩu đối thoại trong cơn nguy kịch thật vô cùng cảm động:"A Phủ cho tôi đi"..., "ở đây thì chết mất !". Đáp lại tiếng nói của người đàn bà chê chồng, vừa cứu thoát mình, A Phủ đã nói lên những lời chan chứa tình nghĩa: "Đi với tôi !" Thế rồi hai người dìu nhau chạy thục mạng, vượt qua bao triền núi tai mèo, ăn lá rừng, mộc nhĩ, mật ong, tìm được thứ gì ăn thứ ấy, dìu nhau đi suốt một mùa mưa thì đến được khu du kích Phiềng Sa. Mị và A Phủ nên vợ nên chồng từ đấy. Hai người đã chung sức xây dựng lại cuộc đời. Họ mơ ước có một mái nhà, một tàu ngựa, có ngô ăn quanh năm... Tô Hoài đã kể lại cuộc chạy trốn của Mị và A Phủ bằng những tình tiết vô cùng xúc động. Hai người đã vùng dậy, tự cứu mình, thoát khỏi kiếp nô lệ, giành lấy quyền sống làm người, được làm vợ làm chồng, được tự do. Mị và A Phủ đã từ bóng tối của địa ngục vượt qua gian nguy đến với ánh sáng cõi đời. Sự vùng dậy ấy mang tính nhân bản sâu sắc.
Đến Phiềng Sa, A Phủ và Mị lại sa vào tay giặc - bọn Tây đồn Bản Pe. A Phủ bị đánh đập dã man, lưng đầy sẹo, cái roi tóc của cha mẹ để lại cho đã bị bọn Tây "chó đẻ" cắt mất. Hai con lợn nhỡ cũng bị chúng ăn cướp mất ! Ngọn lửa căm thù bọn thực dân và lũ phong kiến tay sai bùng cháy dữ dội. ý thức giai cấp được giác ngộ. Sau lễ ăn sùng (ăn thề) với A Châu - người cán bộ kháng chiến, vợ chồng A Phủ biết làm rẫy, làm lán bí mật, gia nhập đội du kích Phiềng Sa. Câu nói của A Phủ (lúc quát Mị) thể hiện một quyết tâm, một tâm thế rất đẹp: "Mê à ! Đây không phải là Hồng Ngài ! Đây là khu du kích Phiềng Sa, A Phủ là tiểu đội trưởng du kích mà !".
Chân lí về tự do cuộc đời được khẳng định ! Mị và A Phủ không chỉ thoát kiếp nô lệ, thoát khỏi sự giày xéo của cha con thống lí Pá Tra mà hai người còn biết cầm súng, cùng với trai, gái bản Hmông, kết nghĩa anh em với cán bộ, "giữ đường cho bộ đội", giải phòng người Hmông, đánh đổ chế độ phong kiến và bọn thực dân cướp nước.
Truyện "Vợ chồng A Phủ" là một thành công đáng tự hào của Tô Hoài, của văn xuôi Việt Nam thời kháng chiến chống Pháp. Nhờ những chuyến đi dài ngày vào vùng rẻo cao Tây Bắc, tác giả đã tích lũy được một vốn sống phong phú về phong tục, về đời sống vật chất và tinh thần của người Hmông. Tô Hoài đã miêu tả một cách cụ thể, chân thực và cảm động số phận của Mị và A Phủ từ nô lệ đến tự do, từ bóng tối đến ánh sáng, từ tủi nhục đến hạnh phúc... Đó là cả một quá trình vùng dậy phải trả giá bằng nhiều máu và nước mắt. Đọc truyện "Vợ chồng A Phủ" ta cảm nhận sâu sắc cái giá của tự do và hạnh phúc. Bằng tài năng và tâm lòng, Tô Hoài đã dành cho Mị và A Phủ sự xót thương, đồng cảm và đồng tình sâu sắc. Người đọc tưởng như Tô Hoài đã được chứng kiến cảnh Pá Tra xử kiện A Phủ, cảnh Mị cắt dây trói cứu A Phủ rồi cùng chạy trốn...
Nửa thế kỉ đã trôi qua, truyện ngắn này vẫn đứng vững trước thời gian và thử thách của bạn đọc. Từ sự đổi đời của Mị và A Phủ, Tô Hoài như muốn tâm sự cùng độc giả gần xa: muốn có sự đổi đời, muốn được sống trong tự do và hạnh phúc thật sự thì phải đấu tranh, phải một lòng đi theo cách mạng và kháng chiến. Đó là giá trị đích thực của áng văn này: giá trị hiện thực và tinh thần nhân đạo cao đẹp.

KienThucViet.Net225 đề và bài văn 12, NXB Hà Nội

Post Tags:

Jillur Rahman

I'm Jillur Rahman. A full time web designer. I enjoy to make modern template. I love create blogger template and write about web design, blogger. Now I'm working with Themeforest. You can buy our templates from Themeforest.

No Comment to " Các đề bài và bài văn mẫu về tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài phần 2 "

(+) Nếu thấy bài viết còn thiếu sót hay cần bổ sung thêm rất mong bạn góp ý để blog ngày càng hoàn thiện.
(+) Khi đăng góp ý, bạn vui lòng viết Tiếng Việt đủ dấu và nhận xét đó có liên quan đến bài viết. Rất vui vì bạn đã đọc bài và cho ý kiến.