Trải qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển, hệ thống Ngân hàng Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
I. Hoạt động tài chính, tiền tệ thời kỳ 1945 - 1954
Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chính quyền non trẻ của giai cấp công nông đã phải ứng phó với những thách thức lớn: vừa giải quyết những vấn đề cấp bách của đời sống nhân dân, củng cố và tăng cường thực lực của chính quyền, vừa phải chống lại hành động chống phá của thực dân Pháp và các thế lực phản động. Tháng 12/1946, hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch, toàn quốc bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp.
Trong khói lửa chiến tranh, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nhanh chóng thiết lập được một nền tiền tệ độc lập, tự chủ, tạo thế đứng vững chắc trên mặt trận tài chính - tiền tệ, sử dụng tiền tệ làm công cụ phục vụ đắc lực công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Đặc biệt, sự ra đời của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam ngày 6/5/1951 là bước ngoặt lịch sử trong quá trình phát triển hệ thống tiền tệ - ngân hàng Việt Nam. Hoạt động của Ngân hàng Quốc gia trong thời kỳ này đã góp phần rất quan trọng củng cố hệ thống tiền tệ độc lập, tự chủ của đất nước, phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa, tăng cường lực lượng kinh tế quốc doanh, phục vụ cuộc kháng chiến chống Pháp.
1. Giai đoạn 1945 - 1951
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, tình hình tài chính - tiền tệ của chính quyền cách mạng gặp vô vàn khó khăn: Kho bạc chỉ còn hơn 1,25 triệu đồng Đông Dương, trong đó một nửa là tiền rách; Ngân hàng Đông Dương vẫn nằm trong tay tư bản thực dân và luôn tìm cách phá hoại ta về tài chính, tiền tệ; các nguồn thu ngân sách quá ít ỏi so với nhu cầu chi tiêu của chính quyền… Trước tình hình đó, Chính phủ đã kêu gọi nhân dân quyên góp tài chính dưới các hình thức như “Quỹ độc lập”, “Tuần lễ vàng”, đồng thời gấp rút chuẩn bị phát hành tiền.
Để phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế kháng chiến, Chính phủ cho thành lập 3 khu vực tiền tệ và cho phép phát hành các đồng tiền khu vực. Nhiều biện pháp đã được áp dụng để tạo nguồn thu cho ngân sách, như: phát hành Công phiếu kháng chiến, Công trái quốc gia… Ngày 3/2/1947, Nha tín dụng sản xuất, tổ chức tín dụng đầu tiên ở nước ta được thành lập với nhiệm vụ giúp vốn cho nhân dân phát triển sản xuất, hạn chế cho vay nặng lãi ở nông thôn, làm hậu thuẫn cho chính sách giảm tức và hướng dẫn nhân dân đi vào con đường làm ăn tập thể.
2. Thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 2/1951) đề ra chủ trương, chính sách mới về kinh tế-tài chính, trong đó chỉ rõ: Chính sách tài chính phải kết hợp chặt chẽ với chính sách kinh tế; thành lập Ngân hàng Quốc gia, phát hành đồng bạc mới để ổn định tiền tệ, cải tiến chế độ tín dụng. Thực hiện chủ trương đó, ngày 6/5/1951, tại hang Bòng thuộc xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 15-SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, với những nhiệm vụ chủ yếu là: Quản lý việc phát hành giấy bạc và tổ chức lưu thông tiền tệ; quản lý Kho bạc Nhà nước; huy động vốn và cho vay phục vụ sản xuất, lưu thông hàng hóa; quản lý hoạt động kim dung bằng biện pháp hành chính; quản lý ngoại hối và đấu tranh tiền tệ với địch.
Hệ thống tổ chức của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam gồm Ngân hàng trung ương, Ngân hàng liên khu và ngân hàng tỉnh, thành phố. Trụ sở đầu tiên của Ngân hàng Quốc gia đặt tại xã Đầm Hồng, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang.
II. Hoạt động ngân hàng thời kỳ 1954 - 1975
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (20/7/1954), 2 miền Nam - Bắc tạm thời bị chia cắt. Đảng ta xác định đường lối chung của Cách mạng Việt Nam trong giai đoạn này là tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và thực hiện cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam.
Chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam từng bước được hoàn thiện để phù hợp với yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng. Hoạt động của Ngân hàng Quốc gia trong thời kỳ này tập trung vào việc tăng cường quản lý, điều hoà lưu thông tiền tệ theo các nguyên tắc quản lý kinh tế, tài chính XHCN; xây dựng và hoàn thiện chế độ tín dụng hướng vào phục vụ phát triển kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể; mở rộng phạm vi và cải tiến nghiệp vụ thanh toán không dùng tiền mặt, thiết lập vai trò ngân hàng là trung tâm thanh toán của nền kinh tế; mở rộng quan hệ thanh toán và tín dụng quốc tế; thực hiện chế độ Nhà nước độc quyền quản lý ngoại hối…
Cũng trong thời kỳ này, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ngân hàng Nhà nước đã thành lập các đơn vị đặc biệt mang bí số B29 và N2683 với nhiệm vụ nhận và vận chuyển các khoản viện trợ của bè bạn trên thế giới từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam, phục vụ cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
1. Giai đoạn 1954 - 1964
Hòa bình lập lại, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam tiến hành thu hồi tiền địch ở vùng mới giải phóng, thiết lập thị trường tiền tệ thống nhất trên Miền Bắc. Mạng lưới ngân hàng được mở rộng tới các huyện, quận, thị xã; đội ngũ cán bộ được tăng cường, nâng cao trình độ. Ngày 26/10/1961, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam được đổi tên thành Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Hoạt động tín dụng được đẩy mạnh để đáp ứng yêu cầu khôi phục kinh tế, phục vụ yêu cầu hợp tác hóa và đẩy mạnh sản xuất tiểu thủ công nghiệp, phát triển kinh tế quốc doanh. Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều cải tiến trong công tác thanh toán không dùng tiền mặt, mở rộng quan hệ thanh toán đến hầu hết các xí nghiệp, tổ chức kinh tế, cơ quan của nhà nước; tập trung quản lý và đẩy mạnh các nguồn thu ngoại hối để đáp ứng nhu cầu kiến thiết nước nhà. Cũng trong giai đoạn này, Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam được thành lập và đi vào hoạt động.
Đến cuối năm 1964, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có quan hệ hợp tác với 265 ngân hàng tại 41 nước trên thế giới.
2. Giai đoạn 1965 – 1975
Đây là thời kỳ Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, chiến sự diễn ra rất ác liệt, mọi hoạt động của Ngân hàng Nhà nước phải chuyển hướng để phù hợp với hoàn cảnh thời chiến. Ngân hàng Nhà nước đã cải tiến và mở rộng các quan hệ tín dụng, thanh toán, quản lý tiền mặt, quản lý quỹ ngân sách nhà nước, giúp các xí nghiệp sơ tán và phân tán sản xuất, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; tiếp tục đẩy mạnh tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể; tích cực khai thác các nguồn ngoại tệ cho Nhà nước, bảo đảm thanh toán quốc tế thông suốt, đáp ứng yêu cầu sản xuất, chiến đấu và đời sống. Tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong thời kỳ này đạt bình quân 85,5% tổng mức chu chuyển tiền tệ qua quỹ ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước đã cử hàng trăm cán bộ vào giúp Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam xây dựng nền tài chính - tiền tệ, đấu tranh với địch trên mặt trận kinh tế, tài chính; triển khai phong trào tiết kiệm, góp sức người, sức của xây dựng hậu phương, chi viện tiền tuyến.
2.1. Hệ thống Kinh Tài của Trung ương Cục Miền Nam
Trongthời kỳ 1965 - 1975, công tác kinh tế - tài chính ở vùng miền Nam giải phóng do hệ thống các cơ quan Đảng đảm nhiệm (gọi là Ban Kinh - Tài). Hoạt động của bộ máy Kinh - Tài miền Nam đặt dưới sự chỉ đạo thống nhất của Trung ương, trực tiếp là Bộ Chính trị. Nhiệm vụ của bộ máy này là tổ chức các đoàn thể giải phóng đi vận động quần chúng giúp đỡ lương thực, tiền bạc cho cách mạng, tiếp nhận nguồn viện trợ của miền Bắc, kiều bào ở nước ngoài và của bạn bè quốc tế; tổ chức đời sống cho cán bộ và dân cư ở vùng giải phóng.
2.2. Quỹ Đặc biệt (B29) và Ban Tài chính đặc biệt (N2683) – đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân
Để tiếp nhận và chuyển các khoản ngoại tệ do bạn bè quốc tế chi viện cho chiến trường Miền Nam, năm 1965, Ngân hàng Nhà nước đã thành lập một tổ chức chuyên trách nghiệp vụ thanh toán đặc biệt tại Cục Ngoại hối - Ngân hàng Ngoại thương, với danh nghĩa là phòng B29 hay “Quỹ đặc biệt”. Ở miền Nam, Ban Tài chính đặc biệt trực thuộc Trung ương Cục miền Nam với các bí số D270, N2683 cũng được thành lập với nhiệm vụ tiếp nhận chi viện của Trung ương; tổ chức cất giữ, bảo quản tiền để phục vụ lâu dài cho cuộc kháng chiến.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, tháng 6/2009, N2683 và B29 đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
III. Hoạt động ngân hàng thời kỳ 1975 - 1985
Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, nước ta bước sang một thời kỳ mới: thời kỳ hoà bình, độc lập, thống nhất, cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách để khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội sau chiến tranh. Ngành Ngân hàng đã khẩn trương tiếp quản và cải tạo hệ thống ngân hàng của chế độ cũ ở miền Nam, xây dựng hệ thống ngân hàng mới của chính quyền cách mạng, thực hiện thống nhất tiền tệ trong cả nước; ban hành và thực hiện nhiều biện pháp về tiền tệ, tín dụng, quản lý ngoại hối, thanh toán để góp phần ổn định tình hình kinh tế và lưu thông tiền tệ, đáp ứng nhu cầu vốn và tiền mặt cho sản xuất, quốc phòng, an ninh và đời sống kinh tế - xã hội; mở rộng hợp tác quốc tế, tranh thủ sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế cho công cuộc tái thiết đất nước.
Tuy đạt được một số kết quả tích cực trong khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, song do hậu quả của chiến tranh kéo dài, cộng với việc duy trì quá lâu cơ chế kế hoạch hóa tập trung đã khiến kinh tế nước ta rơi vào tình trạng suy thoái nặng nề, bội chi ngân sách ở mức cao trong nhiều năm, lạm phát có lúc ở mức 3 con số, hoạt động sản xuất, lưu thông phân phối và đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn.
1. Thống nhất hệ thống tiền tệ, ngân hàng cả nước
Để loại bỏ đồng tiền của chính quyền Sài Gòn ra khỏi đời sống kinh tế xã hội thống nhất tiền tệ trong cả nước, Bộ Chính trị quyết định phát hành đồng tiền ngân hàng Việt Nam ở miền Nam, thu đổi đồng tiền của chế độ Sài Gòn. Đợt thu đổi diễn ra từ ngày 22/9/1975 đến ngày 30/9/1975 với tỷ lệ 1 đồng tiền ngân hàng Việt Nam mới bằng 500 đồng tiền của chính quyền Sài gòn cũ.Sau khi đổi tiền, Việt Nam hình thành hai khu vực lưu hành tiền tệ: tiền ở miền Bắc do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành, tiền ở miền Nam do Ngân hàng Quốc gia Việt Nam của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam phát hành. Hai đồng tiền đều là giấy bạc của Ngân hàng Nhà nước phục vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước.
2. Giai đoạn 1976 - 1980
Thực hiện chủ trương cải tiến và mở rộng tín dụng ngân hàng theo Quyết định 32/CP ngày 11/2/1977 của Hội đồng Chính phủ, Tổng giám đốc NHNN đã ban hành Thể lệ cho vay vốn lưu động và quy định về cho vay đầu tư XDCB đối với các XNQD. Hoạt động tín dụng bước vào thời kỳ cải tiến mạnh mẽ và mở rộng các loại cho vay, trước hết là đối với khu vực kinh tế quốc doanh. Hệ thống thanh toán thống nhất trong cả nước được thiết lập; tình trạng công nợ dây dưa giữa các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị được giải quyết đáng kể. Quan hệ tín dụng và thanh toán quốc tế với các nước XHCN được tăng cường. Tháng 5/1977, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tham gia Ngân hàng Đầu tư quốc tế (MIB), Ngân hàng hợp tác kinh tế quốc tế (MBES).
Để thống nhất tiền tệ trên cả nước, ngày 1/4/1978, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 08/NQ-TW về việc phát hành tiền ngân hàng mới, thu hồi tiền cũ ở cả hai miền. Ngày 2/5/1978, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu phát hành tiền mới, thu hồi tiền cũ trên cả nước.
3. Giai đoạn 1980 - 1985
Trong thời kỳ này, hoạt động sản xuất kinh doanh, lưu thông phân phối gặp rất nhiều khó khăn. Thực hiện Nghị quyết 26/NQTW ngày 23/6/1980 của Bộ Chính trị và các quyết định của Hội đồng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp quy, chế độ nghiệp vụ về tiền tệ, tín dụng, thanh toán, cấp phát đầu tư xây dựng cơ bản, ngoại hối; thực hiện “chính sách tín dụng tích cực, coi tín dụng là mặt trận phía trước”, mở ra nhiều hình thức cho vay mới nhằm đáp ứng nhu cầu vốn và tiền mặt, góp phần thực hiện kế hoạch khôi phục kinh tế, hỗ trợ ngành thương nghiệp quốc doanh thu mua nắm nguồn hàng phục vụ đời sống nhân dân và ổn định giá.
Cuộc thu đổi tiền tháng 9/1985 là chính sách kinh tế lớn của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực phân phối lưu thông, một bộ phận trong kế hoạch tổng điều chỉnh giá - lương - tiền nhằm ổn định sức mua của đồng tiền, phục vụ công cuộc xây dựng và cải tạo xã hội chủ nghĩa.
IV. Hoạt động ngân hàng thời kỳ từ 1986 đến nay
Thực hiện chủ trương đổi mới toàn diện, sâu sắc và triệt để theo Nghị quyết Đại hội Đảng VI và các Nghị quyết Đại hội Đảng sau đó, công cuộc đổi mới đất nước được triển khai mạnh mẽ, nền kinh tế chuyển dần từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường định hướng XHCN có sự quản lý của Nhà nước và từng bước hội nhập kinh tế quốc tế.
Hệ thống Ngân hàng cũng từng bước đổi mới và phát triển, hoàn thiện về mô hình tổ chức, thể chế pháp lý, công nghệ và dịch vụ ngân hàng. Mô hình ngân hàng một cấp chuyển thành mô hình ngân hàng hai cấp, tách bạch dần chức năng quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước với chức năng kinh doanh tiền tệ tín dụng của các TCTD. Ngân hàng Nhà nước, với vai trò là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, Ngân hàng trung ương của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đã điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phù hợp với diễn biến tình hình, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tích cực đổi mới, hoàn thiện cơ chế điều hành chính sách tiền tệ, phát triển nghiệp vụ NHTW; đổi mới tổ chức và hoạt động thanh tra, giám sát; tăng cường hiện đại hóa công nghệ, phát triển dịch vụ ngân hàng; đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
Hệ thống các TCTD có bước phát triển mạnh cả về quy mô và mạng lưới, loại hình sở hữu, công nghệ, dịch vụ, ngày càng đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội, sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
1. Giai đoạn 1986 - 1989
Sau một thời gian tiến hành làm thử việc chuyển hoạt động ngân hàng sang kinh doanh XHCN, ngày 26/3/1988 Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định 53/HĐBT với định hướng cơ bản là “chuyển hẳn hệ thống ngân hàng sang hoạt động kinh doanh”. Tổ chức, bộ máy của Ngân hàng Nhà nước được kiện toàn, sắp xếp lại để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, tín dụng, đồng thời làm chức năng ngân hàng của các ngân hàng; các ngân hàng chuyên doanh thực hiện nhiệm vụ kinh doanh tín dụng và dịch vụ ngân hàng. Theo đó, bốn ngân hàng chuyên doanh được thành lập trên cơ sở chuyển và tách ra từ Ngân hàng Nhà nước, gồm: Ngân hàng Công thương Việt Nam, Ngân hàng Phát triển nông nghiệp, Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Việt Nam, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam.
2. Giai đoạn 1990 - 1996
Tháng 5/1990, Hội đồng Nhà nước thông qua 2 Pháp lệnh Ngân hàng. Hệ thống ngân hàng bắt đầu quá trình chuyển đổi mạnh mẽ, căn bản và toàn diện phù hợp với chủ trương phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần của Đảng, Nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện chính sách lãi suất dương, kết hợp sử dụng các công cụ gián tiếp với công cụ kiểm soát trực tiếp trong điều hành chính sách tiền tệ; hình thành các thị trường tiền tệ; bước đầu hiện đại hóa công nghệ và tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho việc vận hành hệ thống ngân hàng mới. Vốn tín dụng được mở rộng cho mọi thành phần kinh tế và đạt mức tăng trưởng bình quân 36%/năm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá và thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng trong nhiều năm.
Thời kỳ này, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế (IMF, WB, ADB) được tái lập và khơi thông.
3. Giai đoạn 1997 - 2007
Năm 1997, Quốc hội thông qua Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật Các tổ chức tín dụng, tạo nền tảng pháp lý căn bản và mạnh mẽ hơn cho hệ thống ngân hàng tiếp tục đổi mới hoạt động phù hợp với cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế.
Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997; tiếp tục hoàn thiện cơ chế điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt là cơ chế điều hành lãi suất. Hệ thống các tổ chức tín dụng được chấn chỉnh, củng cố, từng bước xử lý nợ tồn đọng và nâng cao năng lực tài chính. Công nghệ ngân hàng có bước phát triển mạnh mẽ; Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng được đưa vào vận hành chính thức từ tháng 5/2002, các dịch vụ ngân hàng điện tử xuất hiện (E-Banking, Internet banking,...). Ngân hàng Nhà nước tham gia đàm phán gia nhập WTO và tích cực triển khai các cam kết về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng.
4. Giai đoạn 2008 - 2012
Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008 tác động rất tiêu cực đến kinh tế nước ta. Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động và linh hoạt, từ ưu tiên kiềm chế lạm phát cao năm 2008 sang tập trung ngăn chặn suy giảm kinh tế năm 2009, khôi phục đà tăng trưởng năm 2010 và kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế năm 2011, 2012.
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XII thông qua Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật Các tổ chức tín dụng, tạo nền tảng pháp lý phù hợp hơn để tiếp tục đổi mới hoạt động ngân hàng đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Sự kiện Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Thống đốc IMF/WB nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị thường niên lần thứ 44 Ngân hàng phát triển châu Á, Hội nghị Thống đốc NHTW ASEAN,... khẳng định vị thế ngày càng tăng của Việt Nam trong cộng đồng tài chính quốc tế.
==> NHỮNG THÀNH TỰU NỔI BẬT
Trải qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển, hệ thống Ngân hàng Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc:
1. Ngân hàng Nhà nước đã bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, chủ động, linh hoạt trong điều hành các giải pháp tiền tệ, ngân hàng phù hợp với điều kiện từng thời kỳ, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
2. Khuôn khổ pháp lý về tiền tệ và hoạt động ngân hàng không ngừng được hoàn thiện, ngày càng phù hợp với điều kiện Việt Nam và tiến gần đến thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước từng bước được bổ sung, hoàn thiện; năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ ngân hàng ngày càngđược nâng cao.
3. Hệ thống các tổ chức tín dụng phát triển cả về số lượng, loại hình hoạt động, quy mô mạng lưới, phương thức quản trị điều hành; huy động vốn và cho vay tăng nhanh, sản phẩm, dịch vụ ngân hàng từng bước được đa dạng hoá, góp phần tích cực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
4. Cơ sở hạ tầng và công nghệ ngân hàng được chú trọng đầu tư và hiện đại hoá, tạo thay đổi căn bản trong phương thức giao dịch giữa ngân hàng với khách hàng và trong quản lý, điều hành hoạt động ngân hàng. Thanh toán không dùng tiền mặt phát triển mạnh, đặc biệt là thẻ ngân hàng.
5. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy quá trình tiếp cận với công nghệ, dịch vụ ngân hàng hiện đại và các chuẩn mực quốc tế về ngân hàng.
(Theo UB)
No Comment to " Khái quát lịch sử ngân hàng Việt Nam qua các thời kỳ "
(+) Nếu thấy bài viết còn thiếu sót hay cần bổ sung thêm rất mong bạn góp ý để blog ngày càng hoàn thiện.
(+) Khi đăng góp ý, bạn vui lòng viết Tiếng Việt đủ dấu và nhận xét đó có liên quan đến bài viết. Rất vui vì bạn đã đọc bài và cho ý kiến.