Tình huống đặt ra:
Ông A là chủ sử dụng hợp pháp 02 thửa đất. Thửa thứ nhất rộng 1.015m2 có nhà và các tài sản trên đất. Thửa thứ hai rộng 1.00m2 là đất trồng sắn tại xã Đ
ồng Trúc, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Năm 1980, ông A đi xây dựng kinh tế mới tại Lâm Đồng. Anh B là cháu ruột tiếp tục sử dụng 02 thửa đất này. Cho đến nay, hai thửa đất này vẫn chưa được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong bản đồ địa chính xã lập năm 1998 đứng tên anh B là người kê khai, sử dụng những thửa đất này. Năm 2004, ông A mất có để lại di chúc cho anh B thừa kế 02 thửa đất của mình. Sinh thời vợ chồng ông A sinh được 2 người con là bà C và ông D (bố anh B). Năm 2006, bà C từ Lâm Đồng về kiện đòi thừa kế quyền sử dụng đối với 02 thửa đất này.
1. Bà C có quyền đòi thừa kế quyền sử dụng 02 thửa đất mà anh B đang sử dụng không? Vì sao?
Bà C không có quyền đòi thừa kế quyền sử dụng 02 thửa đất mà anh B đang sử dụng.
Trước đây, theo Điều 1 Pháp lệnh thừa kế năm 1990 và ngày nay, theo Điều 634 Bộ luật Dân sự khẳng định: “cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình…”.
Trong trường hợp ông A, đất của ông chưa có giấy tờ nhưng được sử dụng ổn định từ trước 15/10/1993, không có tranh chấp và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất nên đã được hợp thức hóa, ông là chủ sử dụng hợp pháp 02 thửa đất này nên hoàn toàn có quyền lập di chúc trao tài sản cho anh B. Anh B không từ chối hưởng di sản nên anh B là người thừa kế hợp pháp và có toàn quyền sử dụng 02 thửa đất của ông A.
Mặc dù pháp luật quy định người để lại di sản có quyền truất quyền hưởng di sản của những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật, nhưng để bảo vệ lợi ích của một số người trong diện này, phù hợp với phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân ta, pháp luật đã hạn chế quyền lập di chúc được thể hiện ở Điều 672 Bộ luật Dân sự. Những người sau đây vẫn được hưởng di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu như di sản được chia theo pháp luật; trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 646 hoặc họ là những người từ chối hưởng di sản theo quy định tại Điều 645 Bộ luật Dân sự:
- Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng.
- Con đã thành niên mà không có khả năng lao động.
Ở đây, không có thông tin nào cho thấy bà C không có khả năng lao động nên bà C không có quyền đòi thừa kế quyền sử dụng 02 thửa đất mà anh B đang sử dụng.
2. Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết vụ việc này? Tại sao?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 136 Luật Đất đai và Điều 160 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP, tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ theo quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 Luật đất đai năm 2003 thì các bên tranh chấp gửi đơn đến cơ quan hành chính để được giải quyết.
Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giải quyết tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau.
Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết của chủ tịch ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì các bên tranh chấp có quyền gửi đơn xin giải quyết tranh chấp đến chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là quyết định cuối cùng.
Trường hợp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết lần đầu mà một bên hoặc các bên đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường là quyết định giải quyết cuối cùng.
3. Vụ việc này được giải quyết như thế nào theo đúng quy định của pháp luật hiện hành?
Theo quy định của pháp luật hiện hành, khi xảy ra tranh chấp đất đai, đầu tiên thường được giải quyết bằng biện pháp hòa giải (thủ tục hòa giải). Sau đó mới đến thủ tục hành chính và thủ tục tố tụng.
Điều 135 Luật Đất đai quy định, khi các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp. UBND cấp xã có trách nhiệm phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác để hòa giải trong thời gian 30 ngày làm việc, kể từ ngày UBND cấp xã nhận được đơn. Trường hợp không hòa giải được tại UBND cấp xã, các bên tranh chấp có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.
Điều 136 Luật Đất đai, các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai theo thủ tục hành chính gồm Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Cụ thể, các cơ quan trên có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự không có giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 Luật Đất đai.
· Các giấy tờ theo khoản 1, 2 và 5 Điều 50 gồm:
- Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất đai trước ngày 15/10/1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong sổ đăng ký ruộng đất, sổ địa chính;
- Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa gắn liền với đất;
- Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15/10/1993, nay được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15/10/1993;
- Giấy tờ về thanh lý, hoá giá nhà ở gắn liền với đất ở theo quy định của pháp luật;
- Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất.
- Trường hợp các giấy tờ trên ghi tên người khác, thì kèm theo giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên có liên quan và được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận là đất không có tranh chấp.
- Bản án hoặc quyết định của Toà án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án, quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành về việc được sử dụng đất.
Vụ việc tranh chấp đất đai này có thể được giải quyết một cách dễ dàng, vì trong trường hợp này, anh B chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng ông A đã được xác nhận là chủ sử dụng hợp pháp 02 thửa đất đó và ông A đã có di chúc trao lại quyền sử dụng cho anh B nên anh B là người có quyền sử dụng hợp pháp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Giáo trình Luật Đất đai, Trường Đại học Luật Hà Nội, NXB. CAND, Hà Nội, 2008.
2. Bộ luật Dân sự 2005
3. Luật đất đai năm 2003
No Comment to " Bài tập tình huống Luật đất đai số 1 "
(+) Nếu thấy bài viết còn thiếu sót hay cần bổ sung thêm rất mong bạn góp ý để blog ngày càng hoàn thiện.
(+) Khi đăng góp ý, bạn vui lòng viết Tiếng Việt đủ dấu và nhận xét đó có liên quan đến bài viết. Rất vui vì bạn đã đọc bài và cho ý kiến.