Từ thời cổ đại, con người quan sát sự chuyển dời của thời gian bằng cách ghi nhận sự xoay vòng của mặt trăng, hay còn gọi là tuần trăng, với một tuần trăng tương đương với 29.530588 ngày (tức là 29 ngày 12 giờ 44 phút và 3 giây). Do vậy nếu dò theo ngữ nguyên thì chữ moon và month đều xuất phát từ cùng một gốc ngữ hệ Ấn-Âumenes (từ này chỉ cả hai nghĩa moon và month). Trong một năm có mười hai tháng, với tên tiếng Anh lần lượt là January, February, March, April, May, June, July, August, September, October, November, và December. Nếu để ý thấy thì chữ September có tiếp đầu ngữ sept- mang nghĩa là thứ bảy, tức đây là tháng thứ bảy, trong khi September hiện nay được mang nghĩa là tháng chín. Nguyên do là từ thời La-mã cổ đại, ban đầu người ta làm lịch chỉ có mười tháng, từ March đến December, không có January và February. Tên gọi mười tháng đó vào thời La-mã cổ đại là: Martius, Aprilis, Maius, Juniius, Quintilis, Sextilis, September, October, November, và December; với sáu tháng cuối là các từ Latin để chỉ các con số từ 5 đến 10. Sau đó Numa Pompilius đã thêm vào hai tháng January vào đầu năm và February vào cuối năm, tới năm 452 trước Công nguyên thì February được di chuyển nằm giữa January và March.
January: 
Bắt nguồn từ tiếng Latin Ianuaris, từ này bắt nguồn từ chữ ianua (nghĩa là “door”), và có liên hệ với vị thần hai đầu Janus, một vị thần bảo hộ chuyên đứng giữ cửa. Theo nhiều học giả thì Janus là vị thần của sự khởi thuỷ, là vị thần đầu tiên trong số các vị thần xuất hiện ở các nghi thức tế lễ. Do vậy mà mọi sự bắt đầu của ngày, tháng, và năm đều được liên hệ với ông ta. Tháng đầu tiên trong năm, January, theo đó mà được đặt theo tên ông ta, với ngụ ý rằng đó là thời điểm mà ông ta với hai cái đầu có thể nhìn về năm cũ cũng như hướng đến năm mới.
 
Tên gọi của tháng theo các ngôn ngữ khác: Pháp janvier, Tây-ban-nha enero, Bồ-đào-nha Janeiro, Ýgennaio, Đức Januar (ở Đức và Thuỵ-sĩ) hoặc Janner (ở Áo), Wales Ionawr, tiếng Scots Gaelic an Faoilteach, Ireland Eanáir.

February: Xuất phát từ chữ Latin Februarius, với gốc là từ februa (nghĩa là “means of cleansing”, các hình thức tẩy uế). Tháng này được đặt tên với ý nghĩa là “tháng của sự tẩy uế”, với lễ hội được tổ chức vào ngày 15 để tôn vinh nữ thần Juno với nhân dạng là nữ thần tình ái.

Tên gọi của tháng theo các ngôn ngữ khác: Pháp février, Tây-ban-nha febrero, Bồ-đào-nha Fevereiro, Ýfebbraio, Đức Februar, Wales Chwefror, tiếng Scots Gaelic an Gearran, Ireland Feabbra.

March: Từ chữ Latin Maritius, đặt theo tên của thần Mars, vị thần chiến tranh và cũng là thần nông nghiệp. Tháng này có nhiều lễ hội nhằm để tôn vinh ông ta.
Tên gọi của tháng theo các ngôn ngữ khác: Pháp mars, Tây-ban-nha marzo, Bồ-đào-nha Março, Ý marzo, ĐứcMärz, Wales Mawrth, tiếng Scots Gaelic am Màrt, Ireland Márta.

April: 
Chữ Latin là Aprilis, và người ta cho rằng nó xuất phát từ chữ Apru, là tiếng Etruscan (một chủng người cổ đại sống tại vùng đất là nước Ý ngày nay), đuợc mượn từ Aphro, dạng viết tắt của Aphrodite, nữ thần Hi-lạp. Do vậy, theo dân La-mã, thì Aprilisđuợc xem như là “tháng của nữ thần Venus” Ngoài ra nó còn có một ngữ nguyên khác liên hệ với chữ aperir (nghĩa là “to open”) theo như việc các nụ và bông hoa nở ra vào thời điểm này trong năm tại thành Rome.
Tên gọi của tháng theo các ngôn ngữ khác: Pháp avril, Tây-ban-nha abril, Bồ-đào-nha Abril, Ý aprile, Đức April, Wales Ebrill, Scots Gaelic an Giblean, Ireland Alibreán.

May: 
Từ chữ Latin Maius, đặt theo tên Maia, nữ thần sinh trưởng của La-mã, vợ của thần lửa Vulcan (tên Maianày có thể cùng một nguồn với chữ Latin magnus, nghĩa là “large”).
Tên gọi của tháng theo các ngôn ngữ khác: Pháp mai, Tây-ban-nha mayo, Bồ-đào-nha Maio, Ý maggio, Đức Mai, Wales Mai, Scots Gaelic an Cètiean, Ireland Bealtaine.

June:
 tên Latin Iunius của tháng này được bắt nguồn từ tên vị nữ thần Juno của La-mã. Tên của tháng này theo tiếng Scots Gaelic có nghĩa là “tháng non trẻ” (the young month), nhưng một cái tên khác được ghi nhận làMeadhan-Samhraidh “midsummer” (giữa hè); tên tháng này trong tiếng xứ Wales cũng mang nghĩa tương tự, và tên tháng trong tiếng Ireland thì có nghĩa là “ở giữa” (middle)
Tên gọi của tháng theo các ngôn ngữ khác: Pháp juin, Tây-ban-nha junio, Bồ-đào-nha Junho, Ý giugno, ĐứcJuni, Wales Mehefin, Scots Gaelic an t-Òg-mhìos, Ireland Meitheamh.

July:
 Cho đến năm 44 trước Công nguyên thì tháng này được gọi là Quintilis (bắt nguồn từ quintus, nghĩa là “thứ năm - fifth”); sau đó được đổi tên lại để tôn vinh Julius Caesar, người được sinh ra vào ngày 12. Tên tháng này trong tiếng Scots Gaelic ban đầu ý chỉ thòi điểm ấm áp nhất của năm.
Tên gọi của tháng theo các ngôn ngữ khác: Pháp juillet, Tây-ban-nha julio, Bồ-đào-nha Julho, Ý luglio, Đức Juni, Wales Gorffennaf, Scots Gaelic an t-Iucbar, Ireland Iúil.

August
: Cho đến năm 8 trước Công nguyên thì tháng này có tên là Sextilis (từ chữ sextus, “sixth”); sau đó đổi tên lại theo tên của hoàng đế Augustus. Trong tiếng Scots Gaelic và Ireland, tên tháng này dùng để tưởng nhớ các hoạt động thu hoạch vụ mùa tưởng nhớ đến Lugh, vị thần ánh sáng của người Celtic cổ đại (tương đương với thần Mercury bên La-mã và thần Hermes bên Hi-lạp).
Tên gọi của tháng theo các ngôn ngữ khác: Pháp août, Tây-ban-nha agosto, Bồ-đào-nha Agosto, Ý agosto, ĐứcAugust, Wales Awst, Scots Gaelic an Lùnasdal, Ireland Lughnasadh.

September:
 Tên Latin của tháng này September chỉ ra rằng ban đầu thì tháng này là tháng thứ bảy trong năm (xuất phát từ chữ septem, “số bảy”). Tên trong tiếng Wales là một từ với nghĩa “mùa gặt”; trong tiếng Scots Gaelic thì mang ý nghĩa sự dư dả và hân hoan trong mùa thu hoạch; còn trong tiếng Ireland nghĩa là “giữa thu” (mid-autumn).
Tên gọi của tháng theo các ngôn ngữ khác: Pháp septembre, Tây-ban-nha septembre, Bồ-đào-nha Setembro, Ýsettembre, Đức September, Wales Medi, Scots Gaelic an t-Sultuine, Ireland Meán Fómhair.

October:
 Tên Latin của tháng này October chỉ ra rằng ban đầu thì tháng này là tháng thứ tám trong năm (xuất phát từ chữ octo, “số tám”). Tên tháng trong tiếng Wales, ban đầu là hyddfref, nghĩa là tiếng bò rống; trong tiếng Scots Gaelic thì nghĩa là “thời kì động đực” (rutting time), bắt nguồn từ chữ damh, nghĩa là “con bò”; trong tiếng Ireland thì có nghĩa là “cuối thu” (end of autumn).
Tên gọi của tháng theo các ngôn ngữ khác: Pháp octobre, Tây-ban-nha octubre, Bồ-đào-nha Outubro, Ý ottobre,Đức Oktober, Wales Hydref, Scots Gaelic an Damhar, Ireland Deireadh Fómhair.

November:
 Tên Latin của tháng này November chỉ ra rằng ban đầu thì tháng này là tháng thứ chín trong năm (xuất phát từ chữ novem, “số chín”). Trong tiếng Wales thì tên tháng này mang nghĩa là “sát sinh” (slaughter); tương tự vậy, người Hà-lan dùng nghĩa đó để gọi tháng này slachtmaand, bởi vì người ta giết thú vật trong tháng này, và trong Old English còn bảo lưu một từ biến thể của người ngoại đạo blomonap, nghĩa là “tháng hiến tế” (sacrifice month). Một từ khác trong tiếng Wales là y mis du, “tháng tối tăm” (black month), từ này được ghi nhận trong tiếng Scots Gaelic (am mìos dubh).
Ngày đầu tiên của tháng này là một sự kết thúc cho vụ mùa, là cái ngày mà các bầy thú trở về từ các đồng cỏ và sự chiếm hữu đất đai được gia hạn. Nó cũng là thời điểm mà người ta tin rằng linh hồn của những người đã khuất sẽ trở về thăm viếng gia đình. Người ta đốt lửa mừng trên đỉnh đồi để thắp lên lại ngọn lửa ấm áp gia đình cho mùa đông và để xua đuổi những linh hồn xấu xa, và thỉnh thoảng họ mang mặt nạ và hoá trang để những hồn ma không thể nhận ra họ. Đó chính là lễ hội Samhain của người Celts, và cũng là nguồn gốc của lễ Halloween hiện nay, vốn được tổ chức vào đêm 31/10. [1]
Tên gọi của tháng theo các ngôn ngữ khác: Pháp novembre, Tây-ban-nha noviembre, Bồ-đào-nha Novembro, Ýnovembre, Đức November, Wales Tachwedd, Scots Gaelic an t-Samhainn, Ireland Samhain.

December:
 Tên Latin của tháng này December chỉ ra rằng ban đầu thì tháng này là tháng thứ mười trong năm (xuất phát từ chữ decem, “số mười”). Tên tháng trong tiếng Wales nghĩa là “trước ngày ngắn nhất” (before the shortest day), theo tiếng Scots Gaelic nghĩa là “bóng đêm” (darkness), theo tiếng Ireland nghĩa là “tháng của Giáng-sinh” (Christmas month).
Tên gọi của tháng theo các ngôn ngữ khác: Pháp décembre, Tây-ban-nha diciembre, Bồ-đào-nha Dezembro, Ýdicembre, Đức Dezember, Wales Rhagfyr, Scots Gaelic an Dùdlachd, Ireland Mí na Nollag.
Năm là đơn vị chỉ thời gian, và hơn nữa nó còn mang tính biểu tượng. Năm là một kiểu hình cho mọi quá trình có chu kì (như một đời người, sự trỗi dậy và suy tàn của nền văn hoá, chu kì vũ trụ). Biểu tượng hình tròn của năm thường được nằm gói gọn trong một hình vuông với bốn góc là bốn nhân vật tượng trưng cho bốn mùa trong năm. Tấm thảm thêu về Sự sáng tạo trong nhà thờ Gerona là một ví dụ hoàn hảo cho hình ảnh đó. Trong truyền thống Trung-hoa thì vòng tròn biểu tượng của năm được chia thành hai phần bằng nhau, tương ứng với bóng tối/cái chết và ánh sáng/sự sống. Từ thời xa xưa thì người ta tin rằng mỗi người đều phải trải qua một quá trình tái sinh hàng năm, từ tháng Mười hai cho đến tháng Sáu, biểu tượng cho cái chết và sự phục sinh. [2]





Tấm thảm thêu về Sự sáng tạo (tapestry of Creation) của nhà thờ Gerona.


Các ngày trong tuần
Mẫu hình của tuần lễ có liên quan đến mẫu hình của bảy hướng không gian: với hai ngày liên hệ với một chiều không số ba chiều không gian, trong khi phần trung tâm, là hình ảnh của khái niệm “tĩnh động thể” (unmoved mover) của Aristotle, thì tương ứng với ngày nghỉ trong số bảy ngày. [3]
Một tuần bảy ngày là đơn vị thời gian được người ta tạo ra không căn cứ trên khía cạnh thiên văn. Nguồn gốc của đơn vị tuần lễ này được liên hệ với người Do-thái cổ đại và ghi chép kinh thánh về Sự sáng tạo, theo đó thì Chúa làm việc trong sáu ngày và nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy. Tuần lễ của người Do-thái xoay quanh ngày Sabbath, là ngày thần thánh và là ngày nghỉ của người Do-thái, bắt đầu từ buổi hoàng hôn Thứ sáu cho đến buổi đêm về vào ngày kế tiếp (tức là ngày Thứ bảy). Tuy nhiên giới nghiên cứu đã chứng minh được rằng người Do-thái có lẽ đã mượn ý tưởng về tuần lễ này từ những người ở vùng Lưỡng-hà, vì người Sumer và người Babylon chia một năm thành những tuần bảy ngày. Và từ người Babylon đến người Ai-cập, rồi người La-mã đặt tên mỗi ngày trong tuần theo tên của những hành tinh theo một chuỗi bảy hành tinh quan sát được bằng mắt thường: Mặt trăng (Moon), sao Thuỷ (Mercury), sao Kim (Venus), Mặt trời (Sun), sao Hoả (Mars), sao Mộc (Jupiter), và sao Thổ (Saturn). 



Bảng 1 – Tên các ngày trong tuần
(hình lấy từ cuốn The History of Time: A Very Short Introduction)

Trong các ngôn ngữ trên, thì tên các ngày trong tuần theo tiếng của xứ Wales khá giống tiếng Latin hơn cả, vì tiếng Wales là ngôn ngữ còn sót lại của thời Roman Britain (nước Anh của La-mã), do vậy còn giữ được tên của các hành tinh sát với gốc Latin còn hơn cả những ngôn ngữ thuộc ngữ hệ Romance (ngữ hệ bắt nguồn từ Latin) như Pháp, Tây-ban-nha, Bồ-đào-nha, v.v. 
Theo tiếng Latin thì ngày đầu tiên được đặt theo tên ngày Mặt trời (Sun) (dies Solis), ngày thứ nhì là cho ngày Mặt trăng (Moon) (dis Lunae), ngày thứ ba là ngày sao Hoả (Mars) (dies Martis), ngày thứ tư là ngày sao Thuỷ (Mercury) (Mercurii), ngày thứ năm là ngày sao Mộc (Jupiter) (dies Iovis), ngày thứ sáu là ngày sao Kim (Venus) (dies Veneris), và ngày thứ bảy là ngày sao Thổ (Saturn) (dies Saturni). Tên các hành tinh ở thời La-mã là bản phiên dịch từ tiếng Hi-lạp, và Hi-lạp là từ tiếng Babylon, Babylon thì từ Sumer:



Bảng 2 – Tên các hành tinh [4]


Có một điều thú vị trong tên các ngày bằng tiếng Latin là bảy hành tinh được xếp theo chuỗi tăng dần bắt đầu từ ngày Monday và tăng tiến lên theo từng khoảng hai ngày trong vòng hai tuần: Monday (Moon), Wednesday (Mercury), Friday (Venus), Sunday (Sun), Tuesday (Mars), Thursday (Jupiter), Saturday (Saturn). Để hiểu nguyên do vì sao thì ta quay ngược thời gian trở về Ai-cập thời Plotemy, lúc này các nhà chiêm tinh định ra rằng mỗi giờ sẽ ứng với một hành tinh theo thứ tự giảm dần về mặt khoảng cách đối với Trái đất, lần lượt là Saturn, Jupiter, Mars, Sun, Venus, Mercury, Moon, và mỗi ngày thì ứng với hành tinh đại diện cho giờ đầu tiên của ngày đó; bởi vì một ngày bao gồm 3x7+3 giờ, bắt đầu là Saturn, nên ngày đầu tuần vào thời đó được tính là ngày Saturday, do đó sang ngày hôm sau thì giờ đầu tiên rơi vào Sun, thành Sunday, ngày hôm sau nữa rơi vào Moon, thành Monday, v.v.. 
Mặc dù sau này, Thiên chúa giáo lấy khái niệm tuần lễ của người Do-thái và đổi ngày Sunday lại thành “ngày của Chúa” (Lord’s day – dies Dominicus), nhưng vào vị hoàng đế đầu tiên của đế chế La-mã Công giáo, Constantine, vào năm 321 đã ban sắc lệnh rằng vào ngày Sunday thì không kiện tụng gì cả, ông ta không gọi ngày đó là “ngày của Chúa” mà gọi là “ngày mà mặt trời được tôn thờ” (diem solis ueneratione sui celebrem). 
Trong số các ngôn ngữ của Tây Âu, thì ngoại trừ tiếng Bồ-đào-nha tiếp thu hoàn toàn cách đặt tên của Thiên chúa giáo. Còn lại các ngôn ngữ khác thuộc ngữ hệ Romance chỉ giữ lại cách đặt tên của “ngày của Chúa” (Pháp, dimanche / Tây-ban-nha, domingo / Ý, domenica) và ngày “Sabbath” (samedi / sábado / sabato), những ngày còn lại trong tuần vẫn giữ cách đặt tên theo các hành tinh.
Trong các ngôn ngữ thuộc ngữ hệ Germanic (tiếng Đức cổ), thì có một số thay đổi so với tiếng Latin. Như tiếng Anh, các ngày Sunday, Monday, Saturday vẫn được đặt theo tên các hành tinh, còn những ngày khác thì đặt theo tên các vị thần của dân tộc Germanic cổ: 
· Tuesday được đặt tên theo thần Týr (Old English viết là Tiw hay Tiu), vị thần chiến tranh và bầu trời (tương ứng với thần Mars bên La-mã), ngày này trong tiếng Thuỵ-điển hay Đan-mạch lần lượt là tisdagvà tirsdag, còn tiếng Đức là Dienstag.
· Wednesday đặt theo tên của thần Woden (còn có một tên thông dụng khác là Odin), tương ứng với thần Mercury bên La-mã, và cách đặt tên này qua bên tiếng Hà-lan là woensdag, tiếng Thuỵ-điển và Đan-mạch onsdag. Tuy nhiên trong tiếng Đức thì có sự thay đổi nữa, là ngày này người Đức gọi là Mittwoch (tức là midweek, giữa tuần)
· Thursday đặt tên theo thần Thor, thần sấm sét, cũng từ tên vị thần này mà có từ tiếng Anh thunder
· Friday đặt theo tên thần Frigg, trong thần thoại Scandinavia thì Frigg là vợ của Odin và là nữ thần của hôn nhân và sự sinh sản, tương ứng với thần Venus bên La-mã. 
Người Slav (những dân tộc thuộc khu vực trung và đông của châu Âu) thì áp dụng một hệ thống đặt tên khác. Ngày Sunday được họ gọi là nedelja, ngày “không-làm-việc” (not-work). Tuy nhiên từ đó lại có nghĩa là “week” trong tiếng Nga, và người Nga thì gọi ngày Sunday là voskresene, “sự phục sinh” (một dạng từ khác của từ Voskresenie, nghĩa là “ngày Phục sinh” (Easter)), ngày Monday được gọi làponedel’nik, nghĩa là “ngày sau nedelja”. Ngày Saturday trở thành “Sabbath”, ngày Wednesday mang nghĩa là “giữa tuần”, còn những ngày Tuesday, Thursday, và Friday thì mang tên bắt nguồn lần lượt từ nghĩa “hai”, “bốn”, và “năm”, vì họ đếm bắt đầu từ ngày Monday chứ không phải từ ngày Sunday. Người Lithuania và Latvia cũng bắt đầu đếm các ngày trong tuần từ ngày Monday.
Còn trong tiếng Việt, thì các ngày trong tuần từ Monday đến Saturday được gọi lần lượt là Thứ hai, Thứ ba, cho đến Thứ bảy, còn ngày Sunday có hai cách gọi “chúa nhật” hoặc “chủ nhật”, tức “Lord’s day”. Nếu ta so với bảng 1, thì thấy cách gọi này về mặt ý nghĩa giống hệt như cách gọi trong tiếng Latin của nhà thờ Thiên chúa giáo (Church Latin), và trong ngôn ngữ hiện đại ngày nay thì giống với cách gọi của tiếng Bồ-đào-nha: từ feria ở đây theo tiếng Latin ban đầu có nghĩa là “free days” (những ngày rảnh rỗi), nhưng sau đó chuyển thành nghĩa “feast days” (những ngày lễ hội), và rồi vì một lí do nào đó mà từ ferianày được dùng để chỉ các ngày trong tuần. Nhắc lại lịch sử thì vào đầu thế kỉ 17, các nhà truyền giáo Bồ-đào-nha sang Việt-nam, và những người này đã có vai trò cực kì quan trọng trong việc hình thành chữ Quốc ngữ hiện nay, do đó việc tên gọi các ngày trong tuần có ý nghĩa trùng khớp với bên tiếng Bồ-đào-nha là điều hoàn toàn hợp lí và có cơ sở về mặt lịch sử.
Các ngày trong tuần có liên hệ với các hành tinh, và các hành tinh thì lại có liên hệ với các kim loại trong thuật luyện đan (alchemy). Hình dưới đây sẽ tóm gọn lại những sự liên hệ đó:



Tên các hành tinh có chữ màu xanh, phía dưới là tên kim loại tương ứng, dưới nữa là tên của ngày trong tuần bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, lần lượt là: tiếng Latin cổ, Wales, Pháp, Tây-ban-nha, Ý, Anh, Đức (nếu ngày đó được thể hiện bằng tám ngôn ngữ thì tiếng thứ nhì, sau tiếng Latin cổ, là tiếng Latin của Thiên chúa giáo).


Sài-gòn,
20110105.


Chú thích: 

[1] “Halloween.” Encyclopædia Britannica. Encyclopaedia Britannica Ultimate Reference Suite. Chicago: Encyclopædia Britannica, 2010.
[2] Cirlot, J. E. “Year.” A Dictionary of Symbols. 2nd ed. London: Routledge, 1971.
[3] Cirlot, J. E. “Week.” A Dictionary of Symbols. 2nd ed. London: Routledge, 1971.
[4] Coi thêm tên các hành tinh theo nhiều ngôn ngữ khác nhau: Planetary Linguistics

Tài liệu tham khảo:
 

  • Encyclopædia Britannica. Encyclopaedia Britannica Ultimate Reference Suite. Chicago: Encyclopædia Britannica, 2010.
  • Ayto, John. Word Origins. 2nd edition. London: A & C Black, 2005.
  • Blackburn, Bonnie & Leofranc Holford-Strevens. The Oxford Companion to the Year. New York: Oxford University Press, 1999.
  • Cirlot, J. E. A Dictionary of Symbols. 2nd ed. London: Routledge, 1971.
  • Holford-Strevens, Leofranc. The History of Time: A Very Short Introduction. New York: Oxford University Press, 2005.
  • Pringle, Greg. “Days of the Week in Chinese, Japanese, & Vietnamese.” Bathrobe’s cjvlang
  • Ross, Kelly L. “The Days of the Week.” The Proceedings of Friesian School, the Fourth Series. 2005. 

Theo: Shopkienthuc
Nguồn: KienThucViet.Net

Post Tags:

Jillur Rahman

I'm Jillur Rahman. A full time web designer. I enjoy to make modern template. I love create blogger template and write about web design, blogger. Now I'm working with Themeforest. You can buy our templates from Themeforest.

No Comment to " Các tháng trong năm, các ngày trong tuần: Nguồn gốc tên gọi & các ý nghĩa "

(+) Nếu thấy bài viết còn thiếu sót hay cần bổ sung thêm rất mong bạn góp ý để blog ngày càng hoàn thiện.
(+) Khi đăng góp ý, bạn vui lòng viết Tiếng Việt đủ dấu và nhận xét đó có liên quan đến bài viết. Rất vui vì bạn đã đọc bài và cho ý kiến.